Nông dân tích cực ra đồng chăm sóc cây trồng vụ Đông Xuân. |
Vụ Đông Xuân được xem là vụ chủ lực, quan trọng nhất trong năm nên ngành nông nghiệp tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng để đạt năng suất, sản lượng cao. Ngay sau Tết, nông dân tất bật ra đồng chăm sóc ruộng đồng mong một mùa vụ bội thu.
Tất bật thăm đồng đầu năm
Ngay sau Tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương tích cực ra đồng chăm sóc cây trồng. Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, diện tích lúa, rau màu phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Đang đi thăm 5 công lúa đòng trổ, chú Nguyễn Văn Vũ (TT Cái Nhum) cho biết: “Do có cảnh báo của ngành chức năng từ trước Tết về triều cường, hạn mặn, dịch bệnh trên lúa nên tôi có biện pháp phòng trị sâu bệnh, ứng phó hạn mặn kịp thời. Trong Tết, tôi vẫn theo dõi tình hình lúa, hạn mặn. Ăn Tết xong là tôi thăm đồng ngay. Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại lúa đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, chưa bị sâu bệnh hại và không bị ảnh hưởng của hạn mặn. Mong vụ mùa chính trong năm này sẽ được bội thu”.
Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 36.800ha lúa trên đồng, đạt 97% kế hoạch (38.000ha), giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Lúa đang giai đoạn đẻ nhánh gần 940ha, gần 18.700ha đòng trổ, trên 15.300ha chắc xanh- chín và có gần 2.000ha đã thu hoạch, ước sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 11.210 tấn với năng suất bình quân ước đạt 5,74 tấn/ha.
Bên cạnh đó, ước diện tích gieo trồng trên đồng cây màu vụ Đông Xuân 2024-2025 (các loại cây hàng năm khác ngoài lúa) đến nay gần 17.000ha, đạt 88,9% kế hoạch, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích màu xuống ruộng trên 9.300ha, chiếm 55,2% diện tích xuống giống. Thời gian qua, ngành chức năng, địa phương đã tích cực vận động người dân nạo vét kinh mương, chủ động theo dõi quá trình sinh trưởng của lúa; chú trọng việc bón phân, chăm sóc lúa đúng kỹ thuật; đồng thời khuyến cáo bà con tích cực thăm đồng, theo dõi sự sinh trưởng của lúa để có cách chăm sóc đúng quy định và kịp thời phát hiện sâu bệnh.
Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít cho biết: Để sản xuất thắng lợi vụ Đông Xuân, ngành chức năng đã và đang tập trung chỉ đạo cán bộ nông nghiệp bám sát đồng ruộng, tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và chủ động phòng, trừ dịch hại trên cây lúa cũng như cây màu. Đồng thời, theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình sâu bệnh để khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại lúa làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.
Chú ý ứng phó hạn mặn
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, trong tuần qua, độ mặn lớn nhất đo tại cồn Thanh Bình 6,1⁰/₀₀, cống Nàng Âm 5,8⁰/₀₀ (ngày 28/1). Thời điểm xuất hiện xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh từ ngày 24/1, sau đó độ mặn tăng dần và đạt đỉnh khoảng ngày 27-28/1 và duy trì ở mức cao trong vài ngày sau đó giảm dần theo thủy triều.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực. Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh, đồng thời cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Người dân nên trồng các loại cây thời vụ có thể chịu được mức độ mặn cao chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, đồng thời có những biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: Hiện độ mặn đã giảm theo triều nhưng các địa phương không nên chủ quan, phải thường xuyên kiểm tra độ mặn, có lịch thời vụ cụ thể cho sản xuất, kết hợp với thông tin về khí tượng thủy văn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để điều tiết nước tưới phù hợp với sản xuất.
Cụ thể, đối với lúa có ngưỡng chịu mặn 1,28‰; đối với rau màu, hoa kiểng rất dễ nhạy cảm với độ mặn của nước, cần có kế hoạch trữ nước ngọt để tưới; đối với cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, bưởi là cây khá nhạy cảm đối với độ mặn của nước, nên cần theo dõi chặt chẽ độ mặn của nguồn nước tưới và có kế hoạch trữ nước ngọt trong mương vườn để chủ động cung cấp nước tưới trong thời gian ảnh hưởng của mặn xâm nhập. Các cây ăn trái khác cũng chú ý không nên dùng nước nhiễm mặn để pha thuốc phun hoặc tưới nhiều lần trong lúc ảnh hưởng của mặn xâm nhập.
Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước phục vụ sản xuất, chủ động trong công tác dự báo hạn mặn, thiên tai xảy ra (mưa giông, lốc, sạt lở bờ sông,...), tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các kỹ thuật sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, chăm sóc gia súc gia cầm, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh hại trên các loại cây trồng; theo dõi tình hình sản xuất, tăng cường thăm đồng, tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh…
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin