Dịp Tết, nhiều người lựa chọn không gian quán cà phê để họp mặt người thân, bạn bè. |
Dịp nghỉ Tết vừa qua, rất nhiều hàng quán ăn uống, dịch vụ mở cửa xuyên Tết phục vụ người dân và thực khách du xuân. Câu chuyện “giá Tết” được nhiều người bàn luận, chia sẻ và bày tỏ đồng cảm khi hàng quán thông báo phụ thu hoặc tăng thêm với mức giá vừa phải…
So với nhiều năm trước, Tết này người dân du xuân không phải lo “ra đường hổng có gì ăn”. Nhiều hàng quán không nghỉ Tết, nên ngay cả mùng 1 khách đi đường cũng dễ dàng ghé quán ăn phở, hủ tíu, cơm sườn… hay thưởng thức cà phê cùng gia đình, bè bạn. Hầu hết hàng quán đều áp dụng “giá Tết”, phổ biến là tăng 5.000-10.000đ trên mỗi phần ăn, một số quán thông báo phụ thu 20% từ 30 tháng Chạp đến mùng 4 tháng Giêng…
Hàng quán mở cửa buôn bán dịp Tết năm nay “thắng lớn”, khi tiếp đón lượng khách đông đảo ăn uống, vui chơi. Một chủ quán cà phê, ăn sáng tại TT Cái Nhum (Mang Thít) cho biết dịp Tết lượng khách tăng gấp đôi so ngày thường, quán phải thuê thêm nhân viên phục vụ theo giờ mới đảm bảo phục vụ.
Trong khi một quán cà phê kèm ăn uống, dịch vụ chụp hình ở TT Long Hồ cũng nói thật là “vỡ trận” vì khách tới quán quá đông. “Dù dự trù khách đông, quán đã tăng thêm nhiều nhân viên phục vụ, nhưng đến mùng 3 Tết gần như vỡ trận do lượng khách tới tấp nập, nhu cầu ăn uống tăng cao mà quán quá tải. Thậm chí có thời điểm quán không dám nhận thêm khách, mấy ngày Tết cũng không nhận khách đặt bàn trước”- chủ quán cho hay.
Hàng quán ăn uống dịp Tết thường tăng giá vì nhiều lý do, chủ yếu liên quan đến chi phí hoạt động và nhu cầu thị trường. Các chủ quán cho biết mấy ngày Tết, nhiều nhân viên nghỉ Tết, nên quán phải thuê người với mức lương cao hơn để đảm bảo hoạt động. “Đầu vào” nguyên liệu, chi phí vận chuyển cũng cao hơn ngày thường.
Nhiều quán đóng cửa nghỉ Tết, nhưng nhu cầu ăn uống ngoài hàng quán lại tăng mạnh. Trong khi đó, với tâm lý “Tết mà”, nhiều khách hàng sẵn sàng chi tiêu thoáng hơn, ít mặc cả hơn so với ngày thường.
Tuy nhiên, cũng có một số ít hàng quán lợi dụng dịp này để “chặt chém”, tăng giá đồ ăn, thức uống quá cao khiến khách phản ứng. Chủ quán tận dụng cơ hội này để tăng giá nhằm bù lại chi phí và kiếm thêm lợi nhuận. Chị Ngọc Diễm ở TP Vĩnh Long cho biết, chị đi ăn cùng gia đình ở một quán mà tính tiền giá tăng gấp đôi, nên dù là quán ăn ưa thích nhưng sau này sẽ “hổng ghé quán đó nữa”.
Mặc dù tăng “giá Tết” là điều dễ hiểu và hầu hết thực khách đồng tình với việc bù đắp một phần chi phí cho người phục vụ mình dịp nghỉ lễ. Nhưng nếu giá quá cao có thể gây phản cảm và mất khách lâu dài. Do đó, nhiều quán thường thông báo trước hoặc điều chỉnh giá hợp lý để giữ chân khách hàng.
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin