Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần trợ lực phát triển

21:26, 19/02/2025

 

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thêm nhiều động lực, trợ lực để phát triển nhanh và bền vững. Ảnh minh họa
Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thêm nhiều động lực, trợ lực để phát triển nhanh và bền vững. Ảnh minh họa

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với nhiều hoạt động thiết thực và đạt kết quả cao, góp phần phát triển ổn định và hướng đến mục tiêu bền vững. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và điều kiện sẵn có, các DNNVV cũng đang rất cần những “trợ lực” thiết thực để phát triển bền vững.


Còn nhiều khó khăn


Các DNNVV ở Vĩnh Long hiện còn gặp nhiều thách thức trong việc mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh; dễ bị tổn thương do tác động của các yếu tố ngoại cảnh bất lợi. Chính vì vậy, việc nâng cao “sức đề kháng” cho DNNVV trước những rủi ro thương mại, sức ép của thị trường là đặc biệt quan trọng. 


Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, cho biết, kết quả báo cáo cho thấy Vĩnh Long những năm qua có tăng về số lượng DN, hiện có khoảng 4.000 DN hoạt động trên hệ thống đăng ký. Nhưng thực tế, số lượng DN có phát sinh doanh số thì thấp hơn. Xét về doanh số và sử dụng lao động, số lượng DN quy mô lớn về doanh số chỉ chiếm khoảng 1%, quy mô vừa khoảng 4%, còn lại 95% quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Như vậy, đa phần các DN tỉnh Vĩnh Long còn hạn chế về quy mô và nguồn lực. 


DNNVV ở Vĩnh Long có các đặc thù như vốn hoạt động dựa vào vốn gia đình hoặc vốn vay; chưa quản trị tài chính hiệu quả và huy động được vốn từ các kênh quỹ, vốn đầu tư khác. Việc đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đến chất lượng hàng hóa chưa cao. Năng suất lao động thấp và không có nhiều ưu thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó là thiếu sự quan tâm đến tiếp thị và nghiên cứu thị trường nên tốc độ phát triển kinh doanh còn chậm.
“Trước áp lực hội nhập kinh tế thế giới và sự phát triển khoa học công nghệ. DN trong tỉnh bộc lộ nhiều hạn chế trong kết nối các nguồn lực và thích ứng với sự biến đổi môi trường kinh doanh. Qua thời gian, nhìn chung đa số các DN đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khó phát triển lên quy mô lớn hơn và chưa khai thác hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên bản địa của tỉnh”- ông Nam nhận định. 


Cần trợ lực phát triển


Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển DN, đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ chuyển đổi số, khuyến khích thành lập các DN, ngành nghề kinh doanh mới…

Bên cạnh đó, trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Hỗ trợ DNNVV, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách để kịp thời định hướng phát triển và hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DNNVV trên địa bàn. Các chính sách hỗ trợ tập trung vào lĩnh vực tín dụng, chuyển giao công nghệ, mặt bằng sản xuất, đào tạo nhân lực, khởi nghiệp, pháp lý, phát triển thị trường, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa,... 


Đồng thời, chủ động tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của các nước trong khối EU, Đông Bắc Á, Nam Á về nhập khẩu lương thực, thực phẩm; các quy định, quy tắc về hợp tác quốc tế. Những quy định về các cam kết trong Hiệp định ASEAN, ASEAN+ và RCEP, Hiệp định EVFTA, thông tin về chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất trên quy mô toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số... cũng đã được cập nhật thường xuyên đến cộng đồng DN. Còn Sở Công Thương cũng đã triển khai thực hiện công tác hỗ trợ DNNVV của tỉnh qua 2 chính sách là khuyến công và xúc tiến thương mại. 


Theo ông Nam, qua theo dõi và đánh giá chuyển động của các DN trước những biến đổi, cơ hội phát triển, sự điều hành phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, hiệp hội nhận thấy, đối mặt với những khó khăn thách thức như trên, DN Vĩnh Long đã có những thay đổi thích ứng, trong đó các DN cũng mong muốn có sự kiến tạo từ phía các cấp, các ngành và Hiệp hội DN. Qua đó, các DN mong muốn tỉnh cần triển khai mạnh mẽ các chính sách thu hút đầu tư các ngành ưu tiên, các vùng có lợi thế tiềm năng, cần có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, cần có sự kết nối mạnh mẽ giữa Vĩnh Long với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, nhất là các trung tâm kinh tế lớn. 


“Năm qua, hiệp hội cũng đã thành lập CLB DN dẫn đầu- thương hiệu tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long, với mục tiêu hướng tới 20% số lượng DN quy mô vừa và lớn đóng góp 80% giá trị cho kinh tế tỉnh và là động lực dẫn dắt và kết nối 80% DN còn lại, đa đạng hóa về ngành nghề và giải quyết các vấn đề xã hội, việc làm, kinh tế nông thôn...”- ông Nam cho biết. 

Hiện tỉnh có nhiều chương trình hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh minh họa
Hiện tỉnh có nhiều chương trình hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh minh họa


Cũng theo ông Nam, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ, kết nối DN, kết nối giao thương, tạo cơ hội tham gia xúc tiến thương mại, bán hàng, quảng bá sản phẩm. Kết nối DN ngoài tỉnh và các thị trường tiềm năng, nhất là thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… vì đây là các thị trường thương mại hàng hóa rất lớn, có cơ hội hợp tác đầu tư. Hiệp hội cũng đã thành lập CLB Xúc tiến thương mại, sẽ đồng hành hỗ trợ các DN có nhu cầu thích hợp. 


“DN, nhất là DNNVV rất kỳ vọng vào vai trò cầu nối của các hội, Hiệp hội DN, cũng như tạo ra những điểm nhấn về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ sự điều hành phía chính quyền với các mô hình như đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư, hỗ trợ DN mới thành lập, vốn sản xuất... để tạo thêm động lực, trợ lực cho DN của tỉnh ngày càng phát triển nhanh và bền vững…”- ông Nam chia sẻ.

Hiện nay, tỉnh cũng đã ban hành chương trình hỗ trợ và phát triển DNNVV giai đoạn 2021-2025 nhằm tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, các nghị định của Chính phủ, Chương trình hành động số 16-CTr/TU, Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các DNNVV phát triển.
Chương trình với các mục tiêu cụ thể như: tốc độ phát triển DNNVV mới tăng bình quân 8-10 %/năm; tỷ trọng đóng góp của DNNVV trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đến năm 2025 đạt 10%; tỷ lệ DNNVV có quan hệ tín dụng ngân hàng đến năm 2025 đạt 40%; hàng năm tạo thêm việc làm mới cho khoảng 20.000 người lao động; hỗ trợ 5 dự án/DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thành lập mới 3 vườn ươm; hỗ trợ 100 hộ kinh doanh chuyển sang loại hình DN; phấn đấu đến năm 2025, mỗi ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh có từ 10-20 DN công nghệ số…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh