Đẩy mạnh chống buôn lậu,  gian lận thương mại, hàng giả

15:52, 20/02/2025

Theo ngành chức năng, thời gian qua, thị trường hàng hóa tương đối ổn định với nguồn cung dồi dào, ít biến động về giá. Doanh nghiệp (DN) dần thích ứng với thương mại điện tử, trong khi người tiêu dùng (NTD) quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng lậu vẫn tồn tại, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi NTD, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Công tác quản lý thị trường góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp chân chính.
Công tác quản lý thị trường góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp chân chính.


Chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời


Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, năm 2024, thị trường hàng hóa trong tỉnh ổn định. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Trong các dịp cao điểm như lễ, Tết, không xảy ra tình trạng khan hiếm hay tăng giá đột biến. Tuy nhiên, một số mặt hàng chịu tác động từ giá nguyên liệu đầu vào, khiến giá có biến động nhẹ.


Cục QLTT tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; hướng đến sự linh hoạt, góp phần đảm bảo tính minh bạch trong kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển. Cạnh đó, lực lượng QLTT đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tuân thủ quy định, hạn chế vi phạm từ gốc. 


Tuy không có vụ việc nghiêm trọng nhưng các vi phạm nhỏ lẻ trong kinh doanh, thương mại vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong năm qua, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 663 vụ, phát hiện vi phạm 431 vụ, xử lý 428 trường hợp, giảm 104 vụ so với năm trước; xử phạt hơn 3,8 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 245 triệu đồng, chủ yếu là thuốc lá điếu, mỹ phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc.


Theo ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, các hành vi vi phạm chủ yếu gồm buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng và vi phạm về nhãn mác, chất lượng. Ngoài ra, việc lưu thông hàng hóa trên thị trường cũng có nhiều xu hướng mới.

Đáng chú ý, thương mại điện tử ngày càng phát triển, thống kê toàn tỉnh có khoảng 70 website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, giúp DN mở rộng kênh tiếp cận khách hàng nhưng cũng đặt ra thách thức trong kiểm soát chất lượng, nhất là với các mặt hàng dễ bị làm giả như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang.


Có thể thấy, nhiều DN đã chủ động cải tiến sản phẩm, minh bạch nguồn gốc, ứng dụng công nghệ vào quản lý bán hàng. Tuy nhiên, không ít hộ kinh doanh nhỏ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Do đó, việc hỗ trợ DN, đặc biệt là cơ sở sản xuất địa phương, nâng cao chất lượng hàng hóa, mở rộng kênh phân phối là cần thiết để thị trường phát triển bền vững.

Từ đó, giúp NTD hình thành thói quen mua sắm thông minh, quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm; tạo áp lực tích cực buộc DN phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa, giúp cả người bán và người mua có thêm niềm tin vào thị trường.


Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường


Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi NTD, BCĐ 389 triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.


Ông Lê Thanh Phong cho biết: Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu, xăng dầu, mỹ phẩm; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Triển khai kế hoạch về tăng cường quản lý, giám sát, đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tăng cường kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các DN, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử; quản lý giám sát hoạt động của các website thương mại điện tử và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok, Instagram, Twitter... Xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, không để hình thành đường dây sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng giả, nhái, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hết hạn sử dụng...


Đồng thời, lực lượng QLTT sẽ chủ động phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị quản lý trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn DN tuân thủ quy định pháp luật, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bảo vệ quyền lợi NTD và thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.

Trong tháng 1/2025, Cục QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra 41 vụ, phát hiện vi phạm và xử lý 39 vụ, phạt hành chính số tiền gần 450 triệu đồng; trị giá tang vật vi phạm trên 580 triệu đồng và 2.660 bao thuốc lá điếu nhập lậu (1 bao=20 điếu). Thu nộp ngân sách nhà nước gần 190 triệu đồng. Các hành vi vi phạm phổ biến như: buôn bán, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa nhập lậu; hàng hóa vi phạm về nhãn; không niêm yết giá; vi phạm về điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc BVTV…

Bài, ảnh: THIỆN CHÍ 
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh