Blog thị trường:
Chuyên gia thường khuyên gì trong ngày Thần Tài 

07:29, 06/02/2025


Theo quan niệm dân gian, trong ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng), nhiều người có thói quen mua vàng để cầu may và tài lộc. 


Tuy nhiên, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán giá vàng biến động mạnh, liên tục lập đỉnh mới. Cụ thể, sáng mùng 8 tháng Giêng (tức ngày 5/2), giá vàng nhẫn lập đỉnh mới, tiến sát mốc 91 triệu đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới cũng vọt tăng, hiện giao ở mốc 2.850 USD/ounce.

Quy đổi theo giá USD ngân hàng, giá vàng thế giới đang ở mức 87,6 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới sáng 5/2. Trước biến động khó lường của giá vàng trong nước và thế giới, nhiều dự đoán cho rằng năm nay có thể là năm mà giá vàng ngày Thần Tài ở mức cao nhất lịch sử. 


Theo lời khuyên của các chuyên gia tài chính, vào ngày vía Thần Tài, rất nhiều người đổ xô mua vàng, khiến giá tăng đột biến, nhưng sau đó có thể điều chỉnh giảm. Do đó, nếu mua vàng để cầu may, lấy lộc, chỉ nên mua một ít (0,5 hoặc 1 chỉ), thì không cần quá lo lắng về giá cả.

Chọn vàng nhẫn trơn hoặc vàng miếng để dễ bảo toàn giá trị hơn so với vàng trang sức. Còn nếu muốn đầu tư, nên theo dõi giá thị trường và mua vào thời điểm thích hợp hơn.
Trong khi đó, để tiết kiệm tiền và sử dụng tiền đúng cách, người Việt Nam cũng thường kết hợp giữa thói quen thực tế, kinh nghiệm dân gian và giáo dục gia đình.

Nhiều người thường dắt con nhỏ đi mua heo đất để tập thói quen bỏ tiền lẻ, tiền lì xì vào đó; khi heo đất đầy, trẻ sẽ được đập ra để dùng vào việc có ích như mua sách vở, đồ dùng học tập hoặc gửi tiết kiệm. Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể giới thiệu về cách đầu tư đơn giản, như gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng, hoặc góp vốn nhỏ vào kinh doanh gia đình, giúp trẻ có tư duy tài chính sớm, biết cách sinh lời từ số tiền tiết kiệm. 


Ông bà, cha mẹ cũng truyền tải câu chuyện, bài học về tiết kiệm như một đức tính quý giá. Những câu tục ngữ như “tích tiểu thành đại”, “ăn ít no lâu”, “liệu cơm gắp mắm” cũng được dùng để dạy con về tiết kiệm. Nhờ những cách này, trẻ em ngay từ nhỏ đã hình thành thói quen tiết kiệm, biết quý trọng đồng tiền và có ý thức quản lý tài chính khi trưởng thành.


LÝ AN
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh