Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm từ gạo: Thúc đẩy phát triển sản phẩm nông sản địa phương

16:00, 01/02/2025

(VLO) Những năm qua, chương trình khuyến công đã đồng hành, hỗ trợ các HTX nông nghiệp ứng dụng thiết bị tiên tiến, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị cho sản phẩm. Trong đó, nhờ được hỗ trợ máy móc thiết bị vào sản xuất, cùng  với sự tự nỗ lực, HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (ấp Kinh, xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm) đã nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm lúa gạo trên thị trường.

HTX tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường

HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt được thành lập từ năm 2017, nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên thị trường gạo hữu cơ. Với tầm nhìn chiến lược và mong muốn mang lại cho người tiêu dùng những sản phẩm gạo an toàn, chất lượng cao, HTX đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và cải tiến quy trình sản xuất.

 
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm từ gạo”.

Từ những ngày đầu thành lập, HTX đã tập trung vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo hữu cơ, đảm bảo sản phẩm không chỉ đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Nhờ sự cam kết mạnh mẽ về chất lượng, sản phẩm của HTX nhanh chóng tạo được niềm tin và sự yêu mến từ khách hàng.

Hiện HTX có 85 thành viên chính thức và 60 thành viên liên kết, đã xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa theo hướng hữu cơ. Trong đó, khoảng 30ha được cấp chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế gồm USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada) với những giống lúa chủ lực là lúa thơm ST24, Đài thơm 8, OM4900 và lúa tím thảo dược Tấn Đạt. Đây cũng là những thương hiệu gạo của HTX tạo uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng. Mỗi tháng cung ứng 15-20 tấn sản phẩm.

Theo ngành chức năng, việc có được thị trường rộng khắp bắt buộc HTX phải bảo quản tốt được sản phẩm để có thể giữ được chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay, công tác bảo quản sản phẩm của HTX chưa được hoàn chỉnh, sản phẩm đôi khi bị mất chân không do sử dụng công nghệ hút chân không cũ nên sản phẩm bảo quản chưa được lâu.

Mới đây, để hỗ trợ HTX trong khâu đóng gói sản phẩm gạo sau thu hoạch, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm từ gạo” tại HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt. Tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2024, Trung tâm đã hỗ trợ máy móc cho HTX trị giá 609 triệu đồng, trong đó, HTX được hỗ trợ 262,7 triệu đồng, phần còn lại do HTX đối ứng.

Ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt cho biết: Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn được coi là yêu cầu cần thiết. Với những kiến thức từ thực tiễn, tôi đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc ứng dụng máy móc vào toàn bộ quá trình từ khâu làm đất cho đến đóng gói và vận chuyển.

Do đó, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm từ gạo” tại HTX là rất cần thiết, nhằm đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp HTX tăng năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững.

Nâng cao giá trị nông sản địa phương

Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng, lãnh đạo địa phương, HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã dần hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, đưa sản phẩm đến tay người dùng đạt chất lượng tốt nhất. Qua đó, góp phần tăng lợi nhuận cho thành viên HTX từ 1,5-2 lần so với ruộng sản xuất bên ngoài HTX.

Theo ông Đoàn Văn Tài, một trong những yếu tố góp phần tạo nên thương hiệu, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chính là việc áp dụng khoa học công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại trong sản xuất. Việc đổi mới công nghệ đang dần trở nên bức thiết, thậm chí là sống còn để tăng khả năng cạnh tranh.

Theo đó, HTX luôn chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, xem đây là yếu tố cạnh tranh chính. Người dân phải sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; hay thậm chí cao hơn là sản xuất hữu cơ; có thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất được nguồn gốc,… Có như vậy mới tạo được niềm tin với người tiêu dùng, đầu ra mới bền vững, sản phẩm mới vươn xa hơn.

“Từ bước khởi đầu đến những thành công như hôm nay, HTX đã nhận được nhiều sự ủng hộ, quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là Chương trình khuyến công của tỉnh, huyện đã sát cánh cùng HTX trong quá trình lập được những thành tích đáng kể.

Theo đó, nhờ được hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất mà HTX đã tăng được khả năng cạnh tranh trên thị trường, có thêm được nhiều đối tác, đại lý phân phối, giúp HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển thương hiệu.

Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp HTX nâng cao tính chủ động trong khâu sản xuất, tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm.
Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp HTX nâng cao tính chủ động trong khâu sản xuất, tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công cũng tạo điều kiện, kết nối HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm, các hội nghị kết nối cung cầu nhằm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm…”- ông Đoàn Văn Tài cho biết thêm.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), thời gian qua, trung tâm đã tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp về nâng cao năng lực quản lý; ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ; xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu,…

Trong đó, việc hỗ trợ cơ sở doanh nghiệp ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp các đơn vị nâng cao tính chủ động trong khâu sản xuất, cũng như tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm làm ra, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Theo ông Lê Hùng An- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, việc hỗ trợ đầu tư, ứng dụng, đổi mới thiết bị, máy móc, công nghệ tạo một bước chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa sản xuất, giảm lao động thủ công, tăng năng suất chất lượng sản phẩm, tăng giá trị và hàm lượng công nghệ của sản phẩm.

Bên cạnh đó, các đề án được triển khai, giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, tạo được ưu thế trên thị trường hiện nay. Đồng thời, có tác động lan tỏa, tạo động lực cho các công ty, doanh nghiệp, HTX khác đầu tư, đổi mới trang thiết bị, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh