Xúc tiến thương mại đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng

17:45, 19/12/2024

Năm 2024, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) đã đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần đưa sản phẩm của doanh nghiệp (DN) đến gần hơn với người tiêu dùng, định hình thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả tích cực.
Các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả tích cực.


Đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng


Theo Trung tâm XTTM (Sở Công Thương), năm 2024, tình hình sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, phục hồi chậm; biến đổi khí hậu gia tăng gây ảnh hướng lớn đến sản xuất và đời sống người dân... Do đó, việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa hỗ trợ DN trong hoạt động XTTM là rất cần thiết. Từ đó đã làm cầu nối giao thương, hỗ trợ DN phát triển thị trường, tham gia kích cầu, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa chất lượng đặc trưng của tỉnh tiêu thụ ổn định trong nước và hướng đến xuất khẩu.


Theo ông Phạm Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm XTTM, trong năm 2024, hoạt động nổi bật là tổ chức thành công hội chợ đặc sản vùng miền khu vực ĐBSCL- Vĩnh Long năm 2024. Hội chợ đã thu hút tham gia của 116 đơn vị với 243 gian hàng, góp phần kết nối giao thương giữa DN và DN, DN và người tiêu dùng, tạo cầu nối cho bên cung- bên cầu gặp nhau, đẩy mạnh XTTM giữa DN của tỉnh với DN các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và cả nước nói chung.


Ngoài ra, trung tâm cũng đã vận động và hỗ trợ DN tham gia hội chợ triển lãm tại một số tỉnh trong nước; hỗ trợ DN tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm nhân dịp đoàn công tác của cán bộ lãnh đạo và DN Ấn Độ, Nhật Bản đến thăm và làm việc tại tỉnh Vĩnh Long; trưng bày hàng hóa tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam- Thụy Sỹ 2024…


“Sau khi tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, nhiều sản phẩm hàng hóa công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh được người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị và DN gặp gỡ, kết nối với các hệ thống phân phối, người tiêu dùng trong cả nước”- ông Tùng cho biết.


Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, sản phẩm mật ong mang thương hiệu Ánh Đầy đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Đầy- chủ cơ sở, sau quá trình tham gia các hoạt động XTTM, sản phẩm từng bước được “nâng cấp” cả về chất lượng và mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng cao. “Sản phẩm mật ong rất nhiều trên thị trường, để sản phẩm của mình đủ sức cạnh tranh thì bắt buộc phải thay đổi, điều chỉnh để ngày càng tốt hơn”- bà Đầy chia sẻ.


Tăng cường hơn nữa hiệu quả xúc tiến


Chuyển đổi số trong XTTM đã trở thành xu thế tất yếu đối với DN và các cơ sở sản xuất. Đây cũng là cách để hàng hóa, nông sản của DN, HTX đến gần hơn với người tiêu dùng. Theo ông Đặng Văn Lượng- Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, hiện thành phố có 51 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 22 chủ thể.

Công tác XTTM được đẩy mạnh thực hiện, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP đã vào hệ thống Siêu thị Co.opmart, Winmart, cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh. “Ngoài ra, hơn 90% các sản phẩm đã lên sàn thương mại điện tử uy tín như: Postmart, Shopee, sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương, sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long và dự kiến trong năm 2025 thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số XTTM sản phẩm OCOP thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm đặc trưng TP Vĩnh Long”- ông Lượng cho biết.


Theo ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến, trong đó chú trọng xúc tiến B2B giữa DN sản xuất và DN phân phối. Hoạt động này nhằm giúp DN nắm bắt nhu cầu và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Nhất là trong bối cảnh các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đạt chất lượng như hiện nay.


“Cần giúp cho các đơn vị hiểu rõ được tầm quan trọng của thương mại điện tử trong thị trường mua bán hiện nay. Đồng thời tăng cường kết nối các DN, hộ kinh doanh trong tỉnh với các công ty, tổ chức, đầu mối kinh doanh cả về trực tiếp và trực tuyến. Từng bước xây dựng trang giới thiệu thông tin, nâng cấp trang sàn thương mại điện tử của tỉnh để giới thiệu về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP để tăng cường khả năng kết nối với người tiêu dùng. Hỗ trợ DN đưa thông tin sản phẩm lên sàn thương mại của tỉnh, bước đầu giúp cho họ làm quen với cách thức quảng bá”- ông Tùng cho biết thêm.

Theo ông Phạm Thanh Tùng, thời gian tới, đơn vị sẽ xây dựng chiến lược kế hoạch XTTM tổng thể giai đoạn 5 năm. Xác định rõ mục tiêu, đối tượng và nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh trong thời gian tới cần trọng điểm xúc tiến là gì. Từ đó có cơ sở để cụ thể hóa công việc trong từng năm, cho từng nhóm đối tượng ngành hàng và thị trường nhắm tới. 

Đặc biệt, phát triển các nền tảng thương mại điện tử để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm địa phương. Khuyến khích DN tạo trang web riêng và sử dụng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Gắn kết thông tin với mạng lưới XTTM quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tiếp cận thông tin thị trường và quảng cáo sản phẩm địa phương trên nhiều nền tảng trực tuyến…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh