Hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn

12:51, 12/12/2024

(VLO) Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã xác định rõ quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn trong phương án phát triển công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh.

Tỉnh luôn mong muốn cải thiện các vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng cảnh quan; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Một góc TP Vĩnh Long.
Tỉnh luôn mong muốn cải thiện các vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng cảnh quan; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Một góc TP Vĩnh Long.

Xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn

Theo UBND tỉnh, nhằm chuẩn bị thực hiện lộ trình và các nhiệm vụ, giải pháp để tạo thuận lợi cho các mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các “cú sốc” từ bên ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và hạn chế sự gia tăng nhiệt toàn cầu, thời gian qua tỉnh đã chủ động xây dựng và thực hiện kịp thời, có hiệu quả các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ về tăng trưởng xanh, tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa, thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh đã xác định rõ quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn trong phương án phát triển công nghiệp, nông nghiệp.

Trong đó, ưu tiên các ngành có khả năng sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, của vùng để sử dụng tổng hợp và nâng cao hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất; nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, xác định đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và hiệu quả dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, các sở, ngành và đơn vị liên quan đã chủ động tham mưu UBND tỉnh đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách để phù hợp với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

Trong đó, chú ý đến xây dựng hệ thống chỉ số và phương pháp xây dựng chỉ số xanh cấp tỉnh, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng xanh; dự thảo hồ sơ nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn,... Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu, lồng ghép một số giải pháp xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong dài hạn, lập kế hoạch sản xuất và tiêu thụ bền vững…

Hướng đến kinh tế xanh, bền vững

Theo ông Lương Trọng Nghĩa- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, kết quả Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, tỉnh xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố cả nước; và hạng 1/13 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL. Đạt được những kết quả trên, tỉnh đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải thiện hoạt động quản lý môi trường và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Trong khi đó, ông Trần Minh Khởi- Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, thời gian tới, tỉnh ưu tiên mời gọi, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế tạo linh kiện, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông sản, công nghệ xanh, sạch, thân thiện môi trường, công nghiệp chế biến...

Gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia một dịp hội chợ, triển lãm.
Gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia một dịp hội chợ, triển lãm.

Theo ông Trần Văn Hiếu- Khoa Khoa học Chính trị (Trường ĐH Cần Thơ), phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường.

“Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được xem là một ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”- ông Hiếu cho biết.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn của ĐBSCL nói chung, Vĩnh Long nói riêng, ông Hiếu cho biết cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng.

Đồng thời nên có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp tái chế, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp.

Theo ông Lương Trọng Nghĩa, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy những kết quả đạt được từ những giải pháp đã triển khai. Tỉnh luôn mong muốn cải thiện các vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng cảnh quan; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích đổi mới phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững, thúc đẩy đầu tư xanh có chất lượng cao, bảo đảm sự phát triển xanh, bền vững cho địa phương…

Theo Đề án cơ cấu lại ngành công thương tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững. Qua đó tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường; khuyến khích việc ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng lộ trình đầu tư đổi mới công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng sản xuất tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng.

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kế hoạch hành động thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp nhằm hướng tới phát triển công nghiệp bền vững, tăng hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu và giảm phát thải môi trường cho các doanh nghiệp…

 Bài, ảnh: KHÁNH DUY 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh