(VLO) Để thúc đẩy triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao (CLC), phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt đề án), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải làm cho bằng được, phải thổi hồn vào cây lúa bằng công nghệ số, khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo, yêu quý cây lúa như chính bản thân, từ đó mới tạo được cuộc cách mạng cho cây lúa; huy động, đa dạng hóa nguồn lực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu. |
Người trồng lúa phải có cuộc sống tốt đẹp hơn
Lúa gạo Việt Nam không thua kém chất lượng so với bất cứ nước nào, song giá trị chưa được nâng cao. Việt Nam đang ở mức phát thải 0,9%, tức là cao hơn các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan…
Do đó, việc triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa CLC đang được Bộ Nông nghiệp-PTNT và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ráo riết triển khai, hiệu quả bước đầu rất phấn khởi.
Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (trực thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT), cho biết: Hiện nay Bộ Nông nghiệp-PTNT vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện; 12 tỉnh, thành đều đã xây dựng kế hoạch mở rộng mô hình.
Song song với mô hình của bộ, ở mỗi huyện của các tỉnh, thành cũng xây dựng mô hình quy mô từ 30-50ha hoặc nhiều hơn tùy theo năng lực mỗi tỉnh.
Đây là những mô hình thực hiện toàn bộ các tiêu chí của chương trình như củng cố HTX, tổ chức liên kết, thực hiện các quy trình canh tác, hoàn chỉnh hệ thống nội đồng...
Đồng thời, các tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình đến năm 2025 sẽ đạt 180.000-200.000ha. Hiện nay các tỉnh đã đăng ký đầy đủ, định vị đầy đủ trên bản đồ, đồng thời cũng đánh giá được hệ thống hạ tầng (thủy lợi nội đồng, giao thông) để phục vụ sản xuất lúa đáp ứng yêu cầu của chương trình trong thời gian tới.
Để nhân rộng đề án, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, các địa phương tham gia cần thống nhất thực hiện đúng quy trình canh tác đã được các địa phương, nông dân (ND) áp dụng triển khai 7 mô hình thí điểm vừa qua và sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, định hướng tiêu thụ lúa gạo.
Phải hình thành được liên kết cụ thể giữa các bên liên quan tham gia đề án. Mô hình liên kết là chìa khóa để đạt được các tiêu chí, nâng được giá trị, thương hiệu lúa gạo ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung. Mô hình liên kết sẽ là động lực, kết nối các thành tố tham gia đề án.
Thực tế cho thấy, để đề án đạt kết quả tốt hơn nữa, cần tiếp tục tăng cường truyền thông, tích cực mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi cùng ND và các HTX.
Kịp thời đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho việc thực hiện liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo CLC và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Quan tâm hỗ trợ ND đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và các giải pháp khoa học, công nghệ mới để thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật canh tác lúa CLC và phát thải thấp theo đề án…
“Trước hết là người trồng lúa có cuộc sống tốt đẹp hơn, với thu nhập cao hơn, môi trường trong sạch hơn, đóng góp vào nỗ lực chung của toàn thế giới chống biến đổi khí hậu”- nhấn mạnh điều này, ông Cao Đức Phát- nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, Chủ tịch HĐQT IRRI tại Việt Nam, cũng cho rằng: “Mục tiêu của đề án là tăng thu nhập cho ND và thông qua việc giảm thuốc trừ sâu, giảm nước, giảm thuốc BVTV, sẽ giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Đây là một trong những mô hình tương đối hoàn thiện. Chúng tôi thực hiện trên cơ sở 7 năm về trước với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới thực hiện Dự án VnSAT hoàn thiện một bước kết cấu hạ tầng, đặc biệt là dự án thủy lợi và đã áp dụng được các gói kỹ thuật. Với mô hình thí điểm đề án, chúng tôi hoàn thiện thêm một bước nữa. Nếu bà con ND thấy khá rồi thì cùng nhau nhân rộng, trước mắt tới năm 2030 đạt mục tiêu 1 triệu hecta”.
Sức sống mới cho ngành lúa gạo bằng công nghệ số
Vào tháng 10/2024, tại Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chuyên canh CLC, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, ĐBSCL có cơ hội lớn để phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Tình hình an ninh lương thực trên thế giới không lúc nào không bị đe dọa. Nói điều đó để thấy giá trị, tầm quan trọng của vùng ĐBSCL.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, động viên nông dân tham gia thí điểm Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại HTX Thắng Lợi (tỉnh Đồng Tháp). |
Thủ tướng nhấn mạnh, lúa gạo là lợi thế lớn nhất của Việt Nam, trong đó ĐBSCL có lợi thế nhất vì đó là truyền thống lịch sử, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm thu nhập cho hàng chục triệu hộ ND, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Đề án hết sức ý nghĩa với người ND vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về “0” theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Nhấn mạnh 5 vấn đề mang tính định hướng, Thủ tướng yêu cầu phải “thổi hồn” vào cây lúa, thổi sức sống mới cho ngành lúa gạo bằng công nghệ số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Phải yêu quý cây lúa như yêu quý chính bản thân mình, như những gì mà mình yêu quý nhất trong cuộc đời mình, từ đó tạo cuộc cách mạng cho cây lúa và ĐBSCL.
Thủ tướng yêu cầu tăng tốc, bứt phá hơn nữa để đạt mục tiêu 1 triệu hecta lúa CLC, phát thải thấp càng sớm càng tốt, qua đó đạt khoảng 14-15 triệu tấn lúa, 9-10 triệu tấn gạo CLC. Chậm nhất đến năm 2030 phải đạt mục tiêu này và cần nỗ lực đạt sớm hơn.
Thủ tướng chỉ rõ 11 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Thứ nhất, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài để phát triển cây lúa CLC, phát thải thấp. Thứ hai, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa trong phân khúc CLC, đi cùng với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng... Thứ ba, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên.
Thứ tư, về nguồn vốn, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các gói tín dụng đang triển khai và nghiên cứu để triển khai trong năm 2025 gói tín dụng với quy mô khoảng 30.000 tỷ đồng cho đề án; đồng thời cho doanh nghiệp vay vốn để mua vật tư, giống, sản xuất kinh doanh. Thứ năm, về phát triển, đa dạng hóa thị trường.
Thứ sáu, về ứng phó biến đổi khí hậu, sạt lở, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán. Thứ bảy, về các nhiệm vụ liên quan giảm phát thải, giảm khí metal trong nông nghiệp, bán tín chỉ carbon, phải có sản phẩm trong quý II/2025. Thứ tám, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với địa phương, HTX, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đa dạng hóa các sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm lúa gạo.
Thứ chín, Thủ tướng nhấn mạnh, không thể quên sức mạnh của Nhân dân, do đó phải tập hợp ND bằng nhiều hình thức, phương thức khác nhau như trong HTX, để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, năng động, sáng tạo.
Nhân dân làm nên lịch sử; cuộc cách mạng lúa gạo không thể thiếu vai trò, sức mạnh của người dân. Nếu bảo đảm lợi ích (cả vật chất và tinh thần) thì người ND sẽ tích cực tham gia, còn nếu không bảo đảm thì có “trải thảm đỏ” người ND cũng không làm.
Phải cùng lắng nghe và chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển, cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và tự hào. Thứ mười là nhiệm vụ kêu gọi, huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển. Cuối cùng, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà nông và doanh nghiệp, giữa Nhà nước với Nhân dân, giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước.
Thay lời kết
Thời gian qua, sau khi Đề án 1 triệu hecta lúa CLC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay, sau thời gian triển khai thí điểm các mô hình đã đạt được kết quả bước đầu. Xin mượn lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan, rằng: “Mục tiêu cuối cùng của đề án là giúp người dân giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập khi thu hoạch và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này phải rất lâu dài. Ngoài sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, tác động từ các chính sách, rất cần sự chủ động hơn nữa của các địa phương vùng ĐBSCL. Đề án 1 triệu hecta lúa đang triển khai là khởi đầu để sau này thực hiện các đề án giảm phát thải ở các lĩnh vực khác của ngành nông nghiệp. Lãnh đạo các địa phương phải coi đây là một cuộc cách mạng thì đề án mới thành công”.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin