(VLO) Thể hiện quyết tâm mới của Chính phủ từng bước hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt đề án) là “luồng gió mới” mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 1,5 triệu người nông dân (ND). Đồng thời góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và giảm phát thải khí nhà kính.
Cần định hình và thúc đẩy chuỗi liên kết “từng nhà”- Nhà nước, nhà nông- HTX, nhà khoa học, doanh nghiệp. |
Sức mạnh liên kết (LK) đa phương đã tạo “cú hích” đột phá thay đổi phương thức sản xuất lúa, đồng thời định hình chuỗi LK thúc đẩy “từng nhà”- Nhà nước, nhà nông- HTX, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN)… hết lòng với đề án này.
Vai trò nòng cốt của hợp tác xã
Nhận định đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao là bước đi đầy quyết liệt, kịp thời của ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất, làm giàu bền vững cho ND, ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp-PTNT) cho rằng: Nòng cốt của đề án là hình thành những HTX, tổ chức ND LK chặt chẽ với DN để tiêu thụ lúa gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho người ND và đây cũng là mục tiêu của đề án hướng đến.
Thực tiễn sản xuất cho thấy, HTX tập hợp nhiều hộ ND nhỏ lẻ vào tổ chức sản xuất trên quy mô lớn hơn. Đây là yếu tố cần thiết để đáp ứng yêu cầu về chất lượng và sản lượng. HTX thuận lợi triển khai các mô hình nông nghiệp hiện đại; dễ dàng kiểm soát quy trình từ giống, phân bón, kỹ thuật canh tác đến thu hoạch, đảm bảo các tiêu chuẩn theo nhu cầu thị trường.
Việc ký kết hợp đồng bao tiêu với các DN thường được thực hiện qua HTX, giúp đảm bảo đầu ra ổn định cho ND, đồng thời DN yên tâm chất lượng và số lượng sản phẩm cung cấp.
Do đó, “việc gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ là hướng đi trong thời gian tới giúp mở rộng diện tích sản xuất, tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa và các công nghệ hiện đại trong nông nghiệp”- ông Trần Minh Hải- Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT, cho biết.
Theo ông Hải, hiện một HTX trung bình ở ĐBSCL khoảng 80 thành viên, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 200 thành viên của cả nước và con số 1.500 thành viên tại Thái Lan. Việc xây dựng các HTX vừa (50-100 thành viên) không chỉ phù hợp với yêu cầu của Luật HTX 2023 mà còn giúp nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Khi HTX trở thành các tổ chức vững mạnh, có khả năng quản lý hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường, sẽ phát huy vai trò cốt lõi trong nền kinh tế nông thôn hiện đại. Cần có những HTX đủ mạnh để phát triển chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao đời sống thành viên và cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam nhận định: “HTX hoạt động hiệu quả sẽ góp phần quyết định sự thành công của đề án. Thông qua HTX, đảm bảo ND tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, tăng cường LK với DN để xây dựng chuỗi giá trị bền vững. HTX được kỳ vọng là đầu tàu trong phát triển đề án.
“Chủ thể trung tâm của đề án là HTX, mục tiêu hỗ trợ chính của đề án là HTX, đầu tư hạ tầng cho HTX. Quan điểm là vực dậy HTX, đề án thành công tức HTX thành công, HTX thất bại tức đề án thất bại”.
Cần nối chặt những “mắt xích” liên kết
Theo ông Lê Thanh Tùng, ngoài các lợi ích về mặt kỹ thuật, đề án triển khai tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn hình thành các chuỗi LK giữa ND và DN, giữa DN và HTX.
Một chuỗi giá trị lúa gạo hay một chuỗi ngành hàng lúa gạo ở mỗi địa phương đều có những “điểm nghẽn” khác nhau, nên không thể đánh giá một chuỗi chung cho toàn vùng ĐBSCL.
Liên kết mở đường cho sản phẩm lúa chất lượng cao có thị trường ổn định hơn. |
Chính vì vậy, đề án dựa trên thực tiễn này để thấy “điểm nghẽn” chỗ nào thì giải quyết ngay chỗ đó. Có những HTX rất mạnh nhưng họ không có DN thu mua và ngược lại. Nên khi tham gia vào chuỗi ngành hàng với sự LK “4 nhà”, với sự hợp tác công- tư một cách mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn và cụ thể hơn, thậm chí cụ thể đến từng vùng sản xuất sẽ phát triển được đề án.
GS.TS Bùi Chí Bửu- chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: ND phải là một chủ thể đầu vào hết sức tích cực để làm ra sản phẩm, tiếp đến DN là đầu ra giải quyết vấn đề sản phẩm đó; ở giữa chính là nhà khoa học và vai trò của Nhà nước trong điều phối... để làm sao, đầu ra- đầu vào này thông suốt.
Phương thức của đề án là LK giữa nông nghiệp và DN theo chuỗi giá trị khép kín, LK có hỗ trợ đầu tư, rồi tiêu thụ sản phẩm... “Tôi cho đây là ý nghĩa rất lớn trong chiến lược của đề án này”- GS.TS Bùi Chí Bửu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc HTX Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp): Trong xu hướng sản xuất nông nghiệp là phải giảm tác hại đến môi trường, trồng lúa an toàn. Sắp tới, mô hình HTX thực hiện là ngoài đồng ruộng không có dấu chân người, hay nói cách khác là cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất, phải tính theo chứng chỉ carbon, nên đề án rất tốt cho người ND, HTX, DN. Phương thức sản xuất sẽ chuyển sang nông nghiệp số với mọi thông tin, dữ liệu đều được lưu trữ trong máy điện thoại thông minh. Do đó, HTX rất quan tâm đến nguồn vốn, đặc biệt là vốn trung- dài hạn sẽ được triển khai như thế nào.
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao đã có bước khởi đầu thuận lợi, điều quan trọng hiện nay là nhân rộng, nói như Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng “các mô hình phải đi vào đời sống sản xuất của ND”.
Để làm được điều đó, bước đột phá đầu tiên, cần khắc phục được tình trạng thiếu vốn trong các chuỗi giá trị, nhất là trong việc san bằng đồng ruộng, mua sắm thiết bị máy móc… Đây là những khoản đầu tư lớn, cần nguồn lực tài chính đủ mạnh.
Ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cho rằng, nguồn vốn trung và dài hạn là yếu tố quyết định để DN có thể đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngắn hạn cũng cần được cung cấp kịp thời để DN có thể thu mua lúa từ ND, đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng.
“DN cũng cần được tiếp cận nguồn vốn vay, để thanh toán cho những “mắt xích” trong chuỗi LK lúa gạo từ khi gieo trồng đến bàn ăn của người tiêu dùng. Đây là vấn đề cốt lõi để thực hiện thành công đề án.
Dù nhiều năm nay, ND, HTX, DN đã được các ngân hàng tạo điều kiện và tiếp cận các nguồn vốn vay nhưng chỉ mang tính chất cục bộ, mới là phần ngọn, chưa đáp ứng cho cả chuỗi LK dẫn đến chưa thể nâng cao giá trị của hạt gạo Việt Nam”- ông Bình nói thật.
Một “mắt xích” khác để mở rộng diện tích thực hiện đề án, theo ông Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đòi hỏi các địa phương tham gia cần thống nhất thực hiện đúng quy trình canh tác và sự tham gia LK của DN, gắn với LK tiêu thụ sản phẩm. LK giữa các bên có vai trò quan trọng để đạt được các tiêu chí, nâng được giá trị, thương hiệu lúa gạo của ĐBSCL và cả nước.
Vì vậy thời gian tới, cần hình thành được LK cụ thể giữa các bên liên quan trong tham gia thực hiện đề án. Các địa phương cần chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ các tổ khuyến nông cộng đồng. Đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp để họ an tâm công tác, gắn bó hỗ trợ ND canh tác đạt hiệu quả cao nhất.
“Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để ND tích cực tham gia đề án. Bởi khi ND vào cuộc tích cực cùng sự chung tay của DN và các cấp chính quyền mới có thể thực hiện hiệu quả đề án”- ông Thanh nhấn mạnh.
Để thúc đẩy đề án, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức công bố chương trình cho vay ưu đãi dành cho các hộ ND, HTX và DN tham gia đề án. Theo đó, chương trình cho vay theo 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng. Theo đó, mức giảm lãi suất cho vay ưu đãi tối thiểu 1% so với lãi suất mà các chủ thể đang tiếp cận khi tham gia đề án. Điều kiện bắt buộc để các chủ thể (gồm DN, HTX, ND) được thụ hưởng các chính sách ưu đãi từ chương trình tín dụng ưu đãi là phải tham gia chuỗi LK |
Kỳ cuối: Để cuộc cách mạng từ cây lúa làm giàu cho nông dân
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin