(VLO) ĐBSCL đang đứng trước thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu. Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là đề án) đặt mục tiêu giải quyết hàng loạt vấn đề của ngành hàng lúa gạo như: tổ chức lại sản xuất, tư duy canh tác, thị trường... Những mùa vàng đầu tiên đã gặt hái thành công, nhưng cũng có không ít thách thức, trở ngại phát sinh từ thực tiễn sản xuất, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đề án thực sự đi vào đời sống nông dân.
Vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn đặt ra khi triển khai đề án, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. |
Bước ngoặt chuyển đổi phương thức sản xuất mới
Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023, đề án được kỳ vọng sẽ khởi tạo một phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng của thế giới; góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Qua đó, giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đến nay, qua sơ kết bước đầu, theo Cục Trồng trọt, các mô hình thí điểm đã có lúa thu hoạch trong vụ Hè Thu và Thu Đông vừa qua cho thấy, nông dân có thể giảm 40-50% lượng giống gieo sạ, giảm 30-40% lượng phân bón đạm (N), giảm lượng nước tưới khoảng 30-40%, giá thành sản xuất 1kg lúa giảm từ 7-20%, giảm chi phí 10-15% trở lên. Bên cạnh đó, năng suất lúa cao hơn từ 2-7 tạ/ha, lợi nhuận tăng 4-7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình…
Cụ thể mô hình tại Cần Thơ (giống lúa OM5451) tăng lợi nhuận 1-6 triệu đồng/ha; tại Sóc Trăng (lúa ST25) lợi nhuận 13-18 triệu đồng/ha. Tất cả các mô hình đều có doanh nghiệp liên kết thu mua lúa, một số mô hình được các doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua cho các hộ sản xuất lúa trong mô hình cao hơn so với bên ngoài 100-150 đ/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Hè- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Hàng năm Cần Thơ sản xuất 3 vụ lúa với sản lượng hơn 1,3 triệu tấn lúa. Nhưng việc sản xuất lúa truyền thống chi phí đầu vào rất cao. Cần Thơ chọn huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai để triển khai đề án vì đây là những địa phương trọng điểm về sản xuất lúa gạo của Cần Thơ.
“Việc triển khai đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp mang lại ý nghĩa rất lớn, góp phần chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang cơ giới hóa đồng bộ, giảm lượng phân bón, thuốc BVTV và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Đề án được người dân đánh giá cao khi giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả mô hình chính là nền tảng, là cơ sở để ngành nông nghiệp TP Cần Thơ nhân rộng đến toàn bộ các vùng tham gia thực hiện đề án đã cam kết với Bộ Nông nghiệp-PTNT”- ông Hè khẳng định.
Dẫn số liệu từ báo cáo của các tỉnh, ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp-PTNT), cho biết: “Các mô hình đề án cho thấy, nông dân tăng thu nhập từ trên 4-7,5 triệu đồng/ha. Thu nhập tăng thêm đến từ năng suất lúa tăng, giá lúa cao hơn.
Như ở Cần Thơ tăng thêm khoảng 4 triệu đồng/ha, Trà Vinh tăng thêm khoảng 7 triệu đồng/ha, Sóc Trăng tăng thêm khoảng 5 triệu đồng/ha, Đồng Tháp khoảng 2,5 triệu đồng/ha. Kết quả này đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và HTX tin tưởng, tiếp tục tích cực tham gia đề án”.
Cạnh đó, toàn bộ sản lượng lúa thí điểm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường, chưa kể đến hiệu quả kinh tế sau này khi được gắn thương hiệu lúa giảm phát thải.
Đề án đầu tiên trên thế giới sản xuất lúa giảm phát thải
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa giảm phát thải ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế.
Đề án cũng nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, tạo sự khích lệ rất lớn đối với nông dân và doanh nghiệp đang tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo ở vùng ĐBSCL nói riêng và ngành lúa gạo cả nước nói chung. Tuy nhiên, do Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện đề án, các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ để tham khảo về cơ chế chính sách, phương pháp triển khai, cách thức tổ chức và huy động nguồn lực.
Từ thực tiễn thực hiện các mô hình thí điểm cho thấy, nhiều địa phương còn lúng túng trong triển khai, huy động nguồn lực, nông dân chưa thật hiểu ý nghĩa đề án, ngại thay đổi tập quán sản xuất…
Tại nhiều diễn đàn, hội thảo, hội nghị về đề án đã chỉ ra nhiều thách thức như: tác động xấu của biến đổi khí hậu, diện tích đất sản xuất lúa ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa, thực hiện xây dựng các công trình, dự án. Việc liên kết tiêu thụ thường gặp tình trạng “bẻ kèo”, không thực hiện đúng nội dung hợp đồng. Tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa vẫn còn phổ biến, nhưng chưa có giải pháp giải quyết triệt để.
Một số lãnh đạo địa phương cũng nêu cái khó về quy mô tối thiểu tham gia đề án phải có diện tích liền mảnh từ 50ha trở lên, trong khi thực tế nhiều tỉnh diện tích canh tác lúa còn rất ít. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp chưa đồng bộ, cần nguồn lực đầu tư lớn.
Đề án được kỳ vọng sẽ khởi tạo một phương thức sản xuất mới. |
Tại tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Đông- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: “Do thời gian triển khai mô hình quá gấp rút gần cận kề với ngày xuống giống nên gặp nhiều lúng túng trong việc phối hợp hỗ trợ cho 2 HTX tham gia thực hiện mô hình.
Bên cạnh đó, Trà Vinh là tỉnh nằm ngoài Dự án VnSAT nên bước đầu tiếp cận thực hiện đề án gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Trong khi đó, hiểu biết của nông dân về đề án còn hạn chế, một số hộ dân còn sản xuất theo tập quán cũ và có tư duy trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Khó khăn tương tự, ông Nguyễn Văn Liêm- Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cũng cho biết: Công tác rà soát, đánh giá, tập hợp vùng sản xuất cần nhiều thời gian, do diện tích canh tác lúa của tỉnh nhỏ lẻ, không phân bố tập trung.
Việc triển khai đồng bộ áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững cần nhiều đầu tư và tổ chức lại sản xuất. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông vận chuyển nội đồng chưa được đầu tư hoàn thiện để đáp ứng phục vụ sản xuất đạt các tiêu chí của đề án. Các doanh nghiệp tham gia liên kết với các HTX, tổ hợp tác để đầu tư và bao tiêu nông sản còn hạn chế.
Trong khi đó, nhìn tổng thể việc liên kết tiêu thụ nông sản đầu ra theo tiêu chí của đề án, ông Lê Thanh Tùng cho rằng: “Vẫn còn ít doanh nghiệp tham gia. Thêm nữa, công tác vận động, tuyên truyền đối với nông dân về chương trình còn chậm.
Ngành chức năng, địa phương chỉ đi phổ biến kỹ thuật, về giảm phát thải, giảm chi phí thôi, còn những lợi ích cụ thể hơn cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì vẫn chưa có chương trình cụ thể... Do đó, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan truyền thông”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Mục đích của đề án trồng lúa phát thải thấp là giảm chi phí, tăng năng suất và tăng thu nhập, lợi nhuận cho người trồng lúa. Qua các mô hình điểm, cho thấy, tư tưởng của người nông dân trồng lúa đã có chuyển biến tích cực trong thực hiện quy trình canh tác bền vững. Đây là bước ngoặt để chuyển về mặt tư duy, về mặt hành động của người nông dân sang phương thức sản xuất mới”. |
Kỳ sau: Huy động sức mạnh liên kết
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin