Tính toán dựa trên dữ liệu từ hải quan của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, đà tăng trưởng tốt, xuất khẩu rau quả có thể đạt 6,6 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn là thị trường mua rau quả Việt nhiều nhất, gần 4,1 tỷ USD trong 10 tháng. Mức này tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Các thị trường khác như Mỹ tăng trưởng 35%, Hàn Quốc (41%) và Thái Lan (70%). Trong khi đó, Hà Lan là thị trường duy nhất sụt giảm 26%.
Sầu riêng là loại trái cây chiếm khoảng 40-45% kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 10 tháng của năm 2024. Trong đó, Trung Quốc là thị trường mua nhiều loại trái này, với 3 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam giữ vị trí thứ 2 về thị phần xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tỷ dân này, với 39%, sau Thái Lan (60,2%). Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường khổng lồ và có nhu cầu rất lớn với rau quả, đặc biệt là sầu riêng Việt Nam.
Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (VITIC) dự báo tháng còn lại của năm nay, chỉ cần duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 500 triệu USD/tháng thì xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ dễ dàng vượt mốc 7 tỷ USD.
Trong khi đó, tính chung 10 tháng, các sản phẩm nông sản chế biến đem về gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng chưa bằng rau quả tươi, nhưng sản phẩm chế biến giữ vai trò quan trọng nâng cao giá trị, ổn định đầu ra hàng nông sản.
Vào tháng 8, Việt Nam ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho nông sản. Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu lớn, có đơn vị đạt thỏa thuận cung cấp đến 1.500 container dừa sang thị trường này. Tại Mỹ, nông sản Việt Nam, đặc biệt là dừa, chanh dây và trái cây, ngày càng được ưa chuộng. Các sản phẩm từ dừa, hạt dẻ cười, xoài và mít tiếp tục là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Việc tăng xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến cho thấy chiến lược mở rộng thị trường của doanh nghiệp.
LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin