Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM): Lợi ích nhiều mặt

06:00, 12/11/2024

(VLO) Theo ngành chức năng, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ngày càng trầm trọng, cùng với đó là yêu cầu về an toàn thực phẩm và cam kết COP26 đang được Chính phủ triển khai thì việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 là hết sức cần thiết, có ý nghĩa lớn trong phát triển bền vững nông nghiệp. Theo đó, thời gian qua, nhiều mô hình áp dụng IPHM đã được triển khai cho thấy hiệu quả vượt trội.

Áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đem lại nhiều lợi ích thiết thực.
Áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Tăng giá trị, bảo vệ môi trường

Theo ngành chức năng, áp dụng IPHM không chỉ giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị nông sản mà còn tạo ra môi trường an toàn cho nông dân. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng biện pháp canh tác IPM, IPHM, từ đó, xây dựng mô hình sản xuất bền vững theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT) đã triển khai nhiều mô hình áp dụng IPHM trên cây lúa, khoai lang, cam sành…

Cụ thể như mô hình áp dụng IPHM hướng đến canh tác chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại huyện Tam Bình áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp như: sử dụng giống tốt, giảm mật độ gieo sạ, các biện pháp canh tác, bón phân theo nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và tăng cường sử dụng phân hữu cơ, quản lý dịch hại theo IPM,...

Kết quả đánh giá, ruộng mô hình tiết kiệm được chi phí giống, phân bón nên tổng chi phí sản xuất thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình. Tuy năng suất ước đạt của ruộng trong và ngoài mô hình bằng nhau (6 tấn/ha) nhưng do chi phí đầu tư thấp hơn nên ruộng trong mô hình đạt lợi nhuận cao hơn gần 2,73 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Chú Nguyễn Văn Thâm (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho biết: Mô hình IPHM trên cây lúa đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Trước đây sạ dày vừa tốn giống, tốn công lại phát sinh nhiều sâu bệnh. Mô hình IPHM sạ thưa, vừa giảm giống, giảm công lao động, ít sâu bệnh hơn, lại bảo vệ sức khỏe, môi trường.

Hay mô hình áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây cam sành tại huyện Trà Ôn cũng mang lại nhiều kết quả. Theo đó, tham gia mô hình, nông dân được ngành chuyên môn hướng dẫn nâng độ pH đất, tăng cường bón phân hữu cơ, nấm vi sinh có lợi để cải tạo đất nhằm giúp bộ rễ phát triển tốt.

Nông dân tham gia mô hình cho hay, vườn cam trong mô hình có độ pH đất cải thiện rõ rệt so với vườn đối chứng, rễ cây phát triển mạnh, nông dân giảm được chi phí nhờ giảm lần phun thuốc trừ sâu, giảm phun xử lý ra hoa, giảm sử dụng phân hóa học, tăng sử dụng phân hữu cơ.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV, việc áp dụng IPHM không chỉ góp phần bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, mà còn giúp bảo vệ sức khỏe con người, môi trường, phù hợp với những định hướng, mục tiêu mà ngành nông nghiệp hướng tới là phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Áp dụng IPHM trên cây trồng còn góp phần phát triển vùng nguyên liệu nông sản của tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng IPHM

Theo ngành chức năng, trước tình trạng biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường... đang diễn ra hết sức nhanh chóng, những mối đe dọa đến sức khỏe càng trở lên phức tạp hơn.

Thực tế và điều kiện nêu trên cho thấy việc cần thiết phải xây dựng kế hoạch triển khai Đề án IPHM đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm xác định cụ thể nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu và phù hợp để thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực và tiềm năng của tỉnh.

Từ đó, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt triển khai Đề án IPHM đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu: phấn đấu có trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả được áp dụng IPHM (ít nhất 60% diện tích lúa và 30% diện tích rau màu, cây ăn quả áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM); lượng thuốc BVTV hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường; phấn đấu trên 90% số xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung) thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định…

Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp tuyên truyền, vận động cộng đồng áp dụng IPHM, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng về nguy cơ do hóa chất thuốc BVTV, phân bón gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Xây dựng, ban hành bộ tài liệu kỹ thuật IPHM trên các cây trồng chủ lực và tiềm năng (nhóm cây lương thực, rau màu, cây ăn trái) để phục vụ các chương trình đào tạo giảng viên IPHM cấp tỉnh, hướng dẫn viên cộng đồng và nông dân nòng cốt về IPHM theo nhóm cây trồng.

Đồng thời, hướng dẫn xây dựng và thực hiện mô hình IPHM gắn với canh tác cây trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, cảnh quan nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu…

IPHM là bước kế thừa và phát triển mới của IPM. Sự khác nhau giữa 2 chương trình nằm ở cách tiếp cận, trong khi IPM chủ yếu tập trung diệt trừ sinh vật gây hại, IPHM thiên về việc áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe của cây trồng để chống chọi tốt hơn với dịch bệnh. Các giải pháp IPHM hướng tới mang tính chất tổng quát, chủ yếu nhằm giúp cho đất khỏe, cây trồng khỏe mạnh, an toàn, sức đề kháng tốt, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường sinh thái… Đặc biệt là việc nâng cao trình độ hiểu biết của nông dân về dịch hại, đất, nước, cùng với đó là các giải pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, người nông dân còn có khả năng truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng, cho nông dân khác cùng áp dụng.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh