(VLO) Thời gian qua, huyện Long Hồ đã đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, phát triển thủy sản (TS) được chú trọng. Huyện cũng đã triển khai nhiều giải pháp phát triển TS của địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững. Theo đó, HTX TS, hộ nuôi cũng đã nâng cao ý thức, nuôi TS an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngành thủy sản được chú trọng phát triển theo hướng an toàn, bền vững. |
Nhiều mô hình thủy sản hiệu quả
Theo ngành chức năng, trong bối cảnh nguồn lợi TS tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì việc chuyển hướng sang phát triển nuôi trồng theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững đang là hướng đi đúng đắn, tất yếu của ngành TS.
Theo đó, nhiều người chăn nuôi, HTX TS đã điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi cá tập trung ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, đồng thời, từng bước gắn sản xuất với tiêu thụ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm TS, nâng cao đời sống, thu nhập.
Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và TS (Sở Nông nghiệp-PTNT), huyện Long Hồ là vùng nuôi cá lồng, bè nhiều nhất của tỉnh, chiếm 98% tổng số lượng lồng bè của tỉnh, trong đó, tập trung chủ yếu tại các xã cù lao.
Hiện nay, nhiều cơ sở nuôi chuyển sang thả nuôi đối tượng có giá trị kinh tế khác như cá lăng nha, cá cóc, cá he, cá chốt,… để tăng giá trị sản xuất và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Các hộ chăn nuôi TS cũng đã nâng cao ý thức trong sản xuất.
Nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số vào sản xuất anh Võ Thanh Quang- xã viên HTX Thủy sản Đồng Phú (xã Đồng Phú) đã tích cực ứng dụng vào thực hiện mô hình nuôi TS. Anh Quang chia sẻ: “Tôi đã áp dụng hệ thống cho cá ăn tự động trên 30 bè cá, chủ yếu là cho cá điêu hồng giống và cá chép.
Qua gần 8 tháng thực hiện mô hình này tôi thấy đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Chỉ cần bấm điện thoại là có thể cho cá ăn nên tiết kiệm được thời gian, nhân công và quan trọng là hạn chế được thất thoát thức ăn, cá ăn nhanh hơn, lượng thức ăn được đảm bảo vừa đủ, không gây lãng phí, lại giảm được ô nhiễm môi trường do tỷ lệ thức ăn thấm và chìm trong nước giảm hơn.
Đồng thời, do cho ăn tự động, có thể linh hoạt giờ cho cá ăn, theo đó, tôi cho cá ăn vào sáng sớm và chập tối, khi đó cá sẽ không phải ăn vào ban ngày, hạn chế làm giảm sức đề kháng của cá trong thời điểm nắng nóng. Nhờ đó mà cá phát triển tốt, chất lượng đạt, năng suất vẫn được đảm bảo”.
Ông Phạm Hùng Dũng- Giám đốc HTX Liên kết chuỗi TS an toàn Vĩnh Long (ấp Bình Lương, xã An Bình) cho biết: HTX thực hiện nuôi trồng, chế biến, bảo quản và mua bán các sản phẩm TS.
Ban đầu, HTX có 60 lồng bè với diện tích 5.000m2, nuôi chủ yếu là cá điêu hồng, đến nay, tăng lên là 105 lồng bè trong đó có 50 lồng bè là nuôi cá điêu hồng còn lại 55 lồng bè là nuôi đa dạng cá đối tượng: cá hô, cá cóc, cá bông lau, cá tra bần, cá tra dầu, cá he, cá chuỗi ngọc, cá rô phi, cá chép, cá chép giòn, cá trắm, cá lăng, cá basa,… với tổng diện tích là 8.000m2 mặt nước.
HTX áp dụng quy trình nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX cũng đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận đủ điều kiện tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn”.
“Sản lượng TS của HTX tiêu thụ 50% ở các chợ truyền thống, 50% sản lượng còn lại cung cấp cho hệ thống siêu thị (Bách hóa xanh, Co.opmart, Mega…) và bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, và hệ thống các nhà hàng quán ăn.
Trong năm 2024 HTX tiêu thụ được 800 tấn cá, trong đó, 700 tấn cá điêu hồng, 100 tấn các loại cá đặc sản khác”- ông Dũng cho biết thêm.
Tăng cường phát triển chuỗi liên kết
Với lợi thế sông nước, tiềm năng phát triển sẵn có, nuôi trồng TS là một trong những thế mạnh của huyện Long Hồ nói riêng và của tỉnh Vĩnh Long nói chung. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, do khâu tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém; đặc biệt là thị trường ngày càng có nhiều quy định khắt khe, ngành TS tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo ông Dũng, xã An Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi TS. Theo đó, An Bình nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, dòng nước chảy đối lưu lên xuống theo thủy triều, dòng chảy êm phù hợp với việc neo đậu để nuôi cá lồng bè. Người dân có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng sản xuất và áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương luôn có sự quan tâm đến việc phát triển nuôi trồng TS vì giá trị sản phẩm hàng hóa lớn, đồng thời được cơ quan chuyên môn thường xuyên theo sát, hướng dẫn kỹ thuật nhằm hạn chế bệnh hại và bảo vệ môi trường vùng nuôi.
Song, theo ông Dũng, thời gian qua, HTX cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, do các hộ nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên chi phí sản xuất còn cao, hộ nuôi còn thiếu vốn lưu động trong sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi cao, trong khi giá cả đầu ra vẫn còn bấp bênh (tình trạng được mùa mất giá và ngược lại), dịch bệnh trên TS cũng thường xuyên xảy ra.
Để ngành TS tiếp tục phát triển bền vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Võ Trung Sơn cho biết: Huyện sẽ tiếp tục phát triển sản xuất TS theo hướng hình thành các tổ chức liên kết, chuỗi sản xuất liên kết theo hình thức khép kín. Song song đó, nghiên cứu định hướng phát triển lồng bè theo hướng kết hợp du lịch sông nước, quan tâm hỗ trợ các HTX TS.
Huyện sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhân rộng các mô hình chăn nuôi, TS ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả…
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Long Hồ, trong năm 2024, tổng diện tích nuôi thủy sản là 316ha, trong đó: cá tra nuôi theo hướng xuất khẩu 86,6ha; 1.557 chiếc lồng, bè, trong đó 1.230 chiếc đang nuôi. Bên cạnh đó, có trên 119 hộ nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: lươn, ếch, ba ba, cá thát lát cườm, cá lóc, cá tai tượng,... Tổng sản lượng TS đạt 43.265 tấn/năm, tăng 1.185 tấn so với năm 2023. Ngành nông nghiệp cũng phối hợp với Chi cục Chăn nuôi thú y và TS (Sở Nông nghiệp-PTNT) theo dõi quan trắc môi trường và khuyến cáo (các yếu tố thủy lý hóa mẫu nước cấp vùng nuôi cá tra, nuôi cá lồng bè như pH, NH3, Coliform,...) được gửi kịp thời đến các cơ sở nuôi và địa phương trên địa bàn tỉnh để có phương án phù hợp và chủ động trong nuôi trồng TS. |
Bài, ảnh: H.YẾN- T.LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin