Đưa các chính sách mới về nhà ở xã hội đi vào cuộc sống

14:23, 13/11/2024

(VLO) Những chính sách mới về nhà ở xã hội (NƠXH) được ban hành trong thời gian gần đây giúp khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý NƠXH, “nới lỏng” nhiều quy định, tiêu chí, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư NƠXH, người thụ hưởng… Theo đó, cần nhanh chóng đưa các chính sách, quy định mới này vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu nhà ở rất bức thiết của nhiều người dân hiện nay.

Dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội. Ảnh minh họa
Dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển NƠXH, tháng 5/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới. Chỉ thị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị (ĐT).

Trước đó, tại kỳ họp tháng 10/2023, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều chính sách đột phá, đồng bộ để phát triển NƠXH. Trước thời điểm Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành, ngày 26/7, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý NƠXH.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định số 100 sẽ giúp khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý NƠXH; có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các chủ thể liên quan…

Theo Nghị định số 100, về thu nhập, các đối tượng được quy định tại các khoản 5, 6 và 8, Điều 76 của Luật Nhà ở cần đảm bảo theo từng điều kiện. Trường hợp người đứng đơn là người độc thân thì có thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng.

Trường hợp người đứng đơn đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập không quá 30 triệu đồng/tháng.

Một trong những nội dung được quan tâm là việc bố trí quỹ đất xây dựng các dự án NƠXH. Điều 17 Nghị định số 100 vẫn quy định các dự án nhà ở thương mại tại các ĐT loại đặc biệt, ĐT loại I, II và loại III khi chấp thuận chủ trương đầu tư phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong dự án để xây dựng NƠXH.

Tuy nhiên, Điều 18 nghị định này cho phép UBND cấp tỉnh chủ động bố trí quỹ đất 20% xây dựng NƠXH trong phạm vi dự án hoặc phạm vi khác ngoài dự án, nếu chủ đầu tư có quỹ đất phù hợp, có giá trị đất ở hoặc diện tích đất ở tương đương với diện tích đất xây dựng NƠXH trong dự án nhà ở thương mại.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)- Hà Quang Hưng khẳng định, các quy định liên quan đến việc dành quỹ đất là một trong những điểm mới khuyến khích phát triển NƠXH được quy định trong Luật Nhà ở 2023.

Nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong bố trí quỹ đất thực hiện dự án NƠXH từ thực tiễn, Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển NƠXH theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.

Tại Vĩnh Long, thời gian qua, tỉnh quan tâm thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình theo chương trình mục tiêu; hỗ trợ nhà cho hộ gia đình có công với cách mạng; hỗ trợ nhà cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở…

Về NƠXH, đầu tư xây dựng 2 dự án, quy mô 172 căn (ký túc xá sinh viên), kế hoạch là 1.000 căn. Đồng thời, đã triển khai đầu tư các dự án nhà ở hỗ trợ công nhân, người thu nhập thấp… Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này chậm, chưa đảm bảo tiến độ, kế hoạch.

Trong khi đó, nhu cầu nhà ở hiện rất bức thiết. chị L.T.D. (ở Phường 3, TP Vĩnh Long) bộc bạch: “Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 25 triệu đồng/tháng. Nhiều năm nay muốn mua nhà nhưng chần chừ mãi chưa mua được”. Theo chị D., do “giá nhà thì cao mà chưa dành dụm đủ tiền, vay ngân hàng thì… ngán, sợ hàng tháng phải trả nhiều thì lo không nổi”.

Ông Trần Lê Thanh Thảo- Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, cho biết, hiện nhu cầu nhà ở rất nhiều. Người dân đăng ký vay vốn để mua, thuê mua cũng có; đăng ký sửa chữa, xây mới cũng có.

Mua, thuê mua thì đăng ký rất nhiều nhưng chưa có dự án nhà để cho vay. Đặc biệt, là công nhân ở các khu công nghiệp, nhu cầu vốn rất cao; người dân có thu nhập thấp thì hiện cũng có nhu cầu để sửa chữa nhà nhưng vốn còn hạn chế…

Ông Thảo cho biết thêm, Nghị định số 100 có rất nhiều điểm mới so trước đây, tạo thuận lợi cho người vay. Bên cạnh mở rộng đối tượng, thời gian trả nợ vay rất dài (tối đa 25 năm), trả nợ trước hạn không bị phạt, món vay chia thời hạn ra dài thì khi đó trả nợ gốc hàng tháng rất nhỏ…

Theo đó, hiện ngân hàng đang tập trung mọi nguồn lực cho vay xây mới và sửa chữa nhà ở cho các đối tượng theo Nghị định số 100. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh để xây dựng đề án riêng cho chương trình cho vay NƠXH để xin nguồn vốn từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh triển khai để thực hiện bao phủ chương trình này đối với người dân có nhu cầu trên địa bàn trong giai đoạn tiếp theo; để phục vụ cho chỉ tiêu của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là tới năm 2030 thì toàn quốc có ít nhất 1 triệu căn NƠXH”- ông Thảo nói.

Theo Sở Xây dựng, tỉnh đã quy hoạch, bố trí quỹ đất, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển NƠXH. Tỉnh tiếp tục tập trung cho công tác phát triển nhà ở, trong đó, chú trọng phát triển NƠXH với hình thức là nhà chung cư.

Bên cạnh, xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư tham gia dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại, NƠXH và chính sách cho thuê, mua nhà ở. Cùng với đó, triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư dự án xây dựng NƠXH không sử dụng vốn ngân sách…

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh