CUỘC THI KHỞI NGHIỆP XANH- PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG:
Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp

22:07, 07/11/2024
Dự án “Chuỗi giá trị sản phẩm từ khoai lang” của anh Nguyễn Thanh Việt vào vòng chung kết của cuộc thi. 
Dự án “Chuỗi giá trị sản phẩm từ khoai lang” của anh Nguyễn Thanh Việt vào vòng chung kết của cuộc thi. 

Sau gần 8 tháng phát động và triển khai, Chương trình Khởi nghiệp (KN) xanh và Cuộc thi KN xanh phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024 đã chọn được 36 ý tưởng, dự án sẽ tranh tài tại vòng chung kết cuộc thi. Các dự án trải dài khắp 3 miền tham gia với các dự án từ tài nguyên bản địa quê nhà. Vĩnh Long có dự án “Chuỗi giá trị sản phẩm từ khoai lang”, do anh Nguyễn Thanh Việt (Phường 8, TP Vĩnh Long) làm chủ đã xuất sắc vào vòng chung kết của cuộc thi.


Vòng chung kết Cuộc thi KN xanh phát triển bền vững lần thứ 10 sẽ được tổ chức trong 2 ngày 9-10/11, tại TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của 36 ý tưởng/dự án. Vòng chung kết chia làm 2 bảng gồm: Bảng A (12 dự án) là dự án cá nhân/nhóm có ý tưởng, đang trong quá trình nghiên cứu và đã có sản phẩm mẫu, sản phẩm đã ra thị trường; Bảng B (24 dự án) là dự án cá nhân, tập thể thuộc tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ đã được thương mại hóa…


Theo đó, 36 dự án tham gia vòng chung kết dự án KN xanh- phát triển bền vững lần này, đến từ 26 tỉnh, thành cả nước như: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang. 


Theo đánh giá từ ban giám khảo, các dự án năm nay có nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh, dù ra đời chưa quá 5 năm. Họ có sự vượt trội bởi đã biết kết hợp các yếu tố công nghệ, thương mại điện tử trong bán hàng, bên cạnh việc tuân thủ sản xuất theo các tiêu chuẩn cao của thế giới. Do đó, các dự án nhỏ hơn có cơ hội trao đổi, học hỏi và kết nối cùng những dự án lớn hơn để hình thành những mạng lưới hỗ trợ cho việc KN, kinh doanh sau này. Với những dự án đã tiến vào vòng chung kết, cuộc thi không chỉ tạo ra cơ hội để các thí sinh thử sức mà còn mở ra con đường tiếp cận thị trường thực tế.


Theo TS Phan Văn Minh- nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học môi trường (Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường, ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh), cuộc thi năm nay có sự đa dạng và phong phú hơn về chủ đề và lĩnh vực so với các năm trước. Đặc biệt, số lượng thí sinh là sinh viên tham gia cũng tăng lên, góp phần thúc đẩy phong trào KN trong giới trẻ. Cuộc thi được phân chia thành 2 bảng: bảng A chủ yếu gồm các ý tưởng mang tính nghiên cứu khoa học cao, trong khi bảng B tập trung vào những dự án đã bước đầu thương
mại hóa. 

 

 

Anh Nguyễn Thanh Việt, Công ty TNHH Bánh Nhật Ngọc: KN không phải là làm một việc rất lớn mà nên bắt đầu làm những việc nhỏ nhất một cách tốt nhất, sau đó dần nâng tầm lớn hơn. Nếu muốn đi đến thành công, trưởng thành hơn thì cần phải vun đắp, cải thiện dần từng bước, không nên quá đặt nhiều tham vọng ngay từ đầu. Đồng thời, phải kiên trì, tinh thần dám nghĩ dám làm, biết sáng tạo, vượt qua những rào cản, khó khăn.

Là 1 trong 36 ý tưởng, dự án tranh tài tại chung kết cuộc thi, anh Nguyễn Thanh Việt với dự án “Chuỗi giá trị sản phẩm từ khoai lang”, chia sẻ: Được thành lập vào năm 2019, Công ty TNHH Bánh Nhật Ngọc đã và đang tiên phong trong việc sản xuất các sản phẩm từ khoai lang, giúp nâng tầm giá trị của loại nông sản quen thuộc này. Hiện công ty đã phát triển các dòng bánh như bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang đạt chuẩn OCOP 4 sao, bánh trung thu khoai lang...

Bên cạnh các sản phẩm bánh, công ty còn thử nghiệm các dòng khoai lang sấy với nhiều hương vị độc đáo như mật ong, hành ớt, rong biển, BBQ… Mục tiêu của Nhật Ngọc không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, mà còn hướng tới mở rộng ra quốc tế, nhằm quảng bá và nâng cao giá trị của khoai lang Vĩnh Long. Với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm từ khoai lang, Nhật Ngọc cam kết thúc đẩy lối sống lành mạnh, đồng thời tạo việc làm và hỗ trợ cộng đồng địa phương, góp phần truyền cảm hứng cho ẩm thực Việt Nam.


Theo anh Nguyễn Thanh Việt, chế biến sâu chính là chìa khóa mở ra hướng đi mới cho khoai lang. “Nghĩ là làm, tôi quyết định tận dụng lợi thế đam mê ẩm thực và nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để chế biến khoai lang thành những dòng thực phẩm vừa mang phong cách hiện đại vừa vẫn giữ nét truyền thống. Đến với cuộc thi này, tôi nhận thấy các dự án tham gia đều rất thực tế, không phải là dự án đi theo phong trào.

Dù kết quả cuối cùng ra sao, đây vẫn là một sân chơi bổ ích, nơi mà có thể học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm quý báu từ những chuyên gia trong ngành. Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá sản phẩm từ tài nguyên bản địa, là cơ hội để mở ra thị trường tiêu thụ rộng mở hơn”- anh Việt chia sẻ.


Theo bà Vũ Kim Anh- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều dự án đoạt giải từ các mùa trước luôn có sự đồng hành, chia sẻ thông tin và kết nối cùng nhau trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, truyền cảm hứng và thúc đẩy tinh thần KN xanh, phát triển bền vững, hình thành một thế hệ doanh nông mới, tự tin KN trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp.

Sau 11 năm triển khai chương trình “KN xanh”, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp đã xây dựng được hệ sinh thái KN trong cả nước. Cuộc thi KN xanh đã thu hút gần 2.340 thí sinh tham gia với 1.560 dự án đại diện cho 62 tỉnh, thành tham gia cuộc thi. Hơn 300 giải thưởng các loại đã được trao. Trong số ý tưởng tham gia cuộc thi đã có gần 30% số ý tưởng đã thực sự biến ý tưởng thành hiện thực, góp phần tạo nên giá trị thực tiễn cho xã hội tại các địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Bài, ảnh: TRÀ MY 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh