Các doanh nghiệp chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp. |
Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần thứ I năm 2024, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao vừa tổ chức chương trình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp (KN) từ các DN đạt giải các cuộc thi KN xanh, phát triển bền vững trong nhiều năm qua.
Với chủ đề “KN xanh, phát triển bền vững”, các chủ DN đã chia sẻ về câu chuyện KN, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, nâng chất lượng sản phẩm… Từ trải nghiệm của bản thân, các khách mời cũng chia sẻ những thông điệp, lời khuyên và bài học khởi sự kinh doanh hữu ích cho hành trang KN.
Đây là những DN trẻ, có nhiều kinh nghiệm quản trị DN, tổ chức các chương trình hoạt động xây dựng DN phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là việc thực hành tiêu chuẩn nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, tổ chức chuỗi xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, lấy yếu tố bảo vệ môi trường, nâng cao sinh kế cho cộng đồng là trọng tâm.
Bà Nguyễn Thị Các Thủy- Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ câu chuyện về “Bánh chuối phồng Tư Bông”- một thương hiệu mà bà đã xây dựng từ những năm đầu KN: “Ban đầu tôi đứng ra bán mứt chuối ngào cuộn với bánh phồng- món mẹ làm để tặng mùa Tết, bạn bè ăn thấy ngon nên xúi mần để bán; đặt tên sản phẩm là mứt chuối phồng.
Sau này cải tiến nhiều thì giống bánh hơn nên đổi tên là bánh chuối phồng. Vài năm gần đây phát triển nhiều dòng trái cây hơn mở rộng tên nhóm sản phẩm thành “Trái cây cuộn”; đổi định vị thành Vị lành Phương Nam. Từ việc gắn bó và “cảm thấy có trách nhiệm tạo ra nhiều việc làm hơn cho phụ nữ nông thôn”, càng về sau lại “tự thêm cái trách nhiệm là muốn họ bước ra thế giới bên ngoài để nâng cao hiểu biết và giá trị bản thân” nên muốn làm nhiều sản phẩm hơn để họ kiếm được nhiều tiền hơn…”
Bà Đinh Thị Hạnh Tâm- Giám đốc Công ty CP Phát triển Thực Mỹ Phẩm Vfarm (Coboté), tỉnh Bến Tre, thì chia sẻ góc nhìn của một doanh nhân trẻ trước sự cạnh tranh từ các thương hiệu ngoại: “Coboté đơn giản là một sự thử nghiệm của cá nhân tôi về một mô hình sản xuất nhỏ lấy con người làm trọng tâm, cảm hứng từ quyển sách đọc từ rất sớm “Nhỏ là đẹp” của tác giả người Đức E.F Schumacher. Nhưng càng làm lâu làm sâu, những tác động tích cực của dừa trong lĩnh vực chăm sóc cá nhân không chỉ là kết quả nghiên cứu trên báo cáo, mà là những phản hồi cụ thể của người dùng. Chính điều này quay lại dẫn lối cho việc mở rộng danh mục sản phẩm giải quyết chính xác nhu cầu của người dùng, cứ như vậy mà hành trình của Coboté tiếp nối”.
Sở hữu vùng nguyên liệu dừa nước hữu cơ hàng trăm hecta tại huyện Cần Giờ, một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm ngay tại TP Hồ Chí Minh, ông Phan Minh Tiến- Giám đốc Công ty CP Dừa nước Việt Nam (Vietnipa) chia sẻ: Vietnipa thực hiện quy trình thu mật từ cuống dừa nước sau khi bặt buồng, một phương pháp thân thiện và bền vững.
Trước đây, giá trị cây dừa nước chỉ nằm ở phần cơm dừa, nhưng giờ đây chúng tôi có thể vừa thu cơm dừa vừa thu mật. Một cuống dừa có thể cho ra khoảng 1 lít mật mỗi ngày, và liên tục trong khoảng 30 ngày. Điều này giúp nâng cao giá trị của cây dừa nước lên gấp 30-50 lần so trước kia.
Nhờ khai thác hiệu quả hơn, cây dừa nước không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương mà còn thúc đẩy công tác bảo tồn và mở rộng diện tích trồng. Dừa nước còn có khả năng hấp thu CO2 hiệu quả, góp phần quan trọng giảm thiểu khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc thu mật dừa nước không chỉ làm giàu cho địa phương mà còn tạo ra những tác động tích cực đối với hệ sinh thái.
Chia sẻ về những thách thức trong quá trình KN, đặc biệt là phát triển sản phẩm mới của DN- bánh tráng cuốn không cần nhúng nước từ khoai mì, ông Đặng Khánh Duy- Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tây Ninh, cho biết, khó khăn đầu tiên là công nghệ. Bánh tráng sản phẩm bản địa và cũng là riêng có của Việt Nam nên các thiết bị, máy móc gần như phải “tự chế”.
Để tìm kiếm công thức tối ưu nhằm tạo ra một sản phẩm không nhúng nước nhưng phải giữ được hương vị đặc trưng của bánh tráng truyền thống đòi hỏi quá trình nghiên cứu và cải tiến liên tục. Bên cạnh, DN phải có kế hoạch về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, quảng bá phù hợp để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của mình trong rất nhiều sản phẩm của DN khác trên thị trường.
Ông Duy chia sẻ thêm, bánh tráng là sản phẩm quen thuộc, được sản xuất ở khắp các vùng miền trong nước, do đó, là một DN KN sau với sản phẩm này, đòi hỏi bên cạnh thị trường truyền thống, DN phải có những “ngách” riêng để mở rộng thị trường. Đến nay, sản phẩm của DN đã có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài với nhiều khách hàng tiềm năng, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài- những người đang tìm kiếm hương vị quê hương.
Doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở rộng thị trường. |
Là DN Vĩnh Long đạt nhiều thành tích thi KN thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Việt- Giám đốc Công ty TNHH Bánh Nhật Ngọc, chia sẻ, ngay từ những ngày đầu KN, đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn cho nông sản. Với sản phẩm KN từ tài nguyên bản địa là khoai lang, đến nay công ty đã phát triển nhiều sản phẩm như: bánh phồng, bánh quy, bánh nướng từ ngũ cốc, bánh trung thu, khoai lang sấy. Hiện công ty đang vận hành sử dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và HACCP để đưa sản phẩm ra thị trường. Với những nỗ lực, các sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao, 4 sao và là sản phẩm tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long.
Năm 2024, công ty tiếp tục tham gia cuộc thi KN xanh và nhận được 2 giải thưởng. Ông Nguyễn Thanh Việt cho rằng, việc KN từ tài nguyên bản địa cùng với thực hành các tiêu chuẩn cho nông sản là hướng đi phù hợp với nhu cầu của khách hàng và xu thế của thị trường. Trong thời gian tới, DN tiếp tục nỗ lực thay đổi, cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu.
Tại buổi giao lưu, các DN cũng chia sẻ những thông điệp, đúc kết từ hành trình KN như “Kiên trì theo đuổi và học hỏi không ngừng nghỉ”; “KN không phải lúc nào cũng là màu hồng”; “Tử tế, sáng tạo, khác biệt”… Qua đó, nhằm động viên tinh thần, giúp các bạn trẻ tự tin, mạnh mẽ KN, lựa chọn KN xanh, góp phần phát triển kinh tế xanh và hướng đến phát triển bền vững.
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin