Xu hướng tất yếu phát triển nông nghiệp xanh

16:07, 01/10/2024

(VLO) Nông nghiệp ĐBSCL đang đối mặt với những bất lợi từ biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn tài nguyên nước, phương thức canh tác thâm canh, độc canh, tăng vụ và lạm dụng hóa chất nông nghiệp… Trong khi đó, phát triển nông nghiệp xanh là xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất, xuất khẩu nông sản và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây ở khu vực ĐBSCL các vấn đề về ngập lũ, khô hạn, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn tài nguyên nước phục vụ cho sinh hoạt và nông nghiệp hay ô nhiễm môi trường diễn biến rất phức tạp và không theo quy luật tự nhiên.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu và canh tác nông nghiệp theo hướng thâm canh, độc canh, tăng vụ và lạm dụng hóa chất nông nghiệp.

Theo đó, phát triển nông nghiệp xanh là một xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hóa, hàng hóa xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị COP26 (tháng 12/2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng sinh thái, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

 

Để phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022). Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 (Quyết định số 885/QĐ-TTg, ngày 23/6/2020); Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Điều này cho thấy nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thay đổi quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, thay đổi quản trị sản xuất bằng nông nghiệp số để tiếp cận các tiêu chuẩn của thế giới, đồng thời góp phần gia tăng giá trị sản phẩm là xu hướng mà nền nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới.

Mới đây, Trường Nông nghiệp (Trường ĐH Cần Thơ) phối hợp Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau đã tổ chức tọa đàm “Nông nghiệp sáng tạo cho phát triển xanh và bền vững”.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp-PTNT, các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ các tỉnh, thành phố ĐBSCL.

GS.TS Bùi Chí Bửu- nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Trước đây nông dân đua theo năng suất thì bây giờ phải đua theo chất lượng. Chất lượng ở đây là chất lượng dinh dưỡng.

Phải sản xuất những giống lúa chịu nóng, chịu hạn, kết hợp giải quyết vấn đề người dân đang bị tiểu đường nhiều, bị huyết áp nhiều thì đó là chiến lược mà cả thế giới đang đầu tư nghiên cứu”.

PGS.TS Châu Minh Khôi- Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Tọa đàm nhằm chia sẻ, trao đổi và thảo luận các khía cạnh về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến, tham gia chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, tọa đàm còn là cơ hội để kết nối hợp tác giữa các nhà khoa học và sở, ban, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ðể đạt được mục tiêu đề ra, theo các chuyên gia, các địa phương cần đề cao yếu tố sáng tạo, quyết liệt trong xây dựng, triển khai các giải pháp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực và kiến tạo những động lực mới thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Ðồng thời, chú trọng xây dựng và phát triển các doanh nghiệp HTX, công nhân nông nghiệp, phát triển cộng đồng sản xuất nông sản chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, trên nền tảng tôn tạo, phát triển văn hóa, truyền thống của địa phương…

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh