Tìm giải pháp nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng

17:00, 18/10/2024

(VLO) Ngày 18/10, Bộ Nông nghiệp-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo các chuyên gia, về lâu dài cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất.
Theo các chuyên gia, về lâu dài cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất.

Theo Cục Trồng trọt, việc đẩy mạnh cải tạo đất, thâm canh thời gian qua đã đưa lại nhiều thành tựu cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, với đặc thù 70% đất đai canh tác ở Việt Nam nằm trên địa hình dốc dẫn tới hiện tượng rửa trôi, suy thoái, kiệt quệ dinh dưỡng ở những vùng thâm canh cao; việc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV cũng ảnh hưởng tới sức khỏe đất đai và cây trồng.

Đất trồng trọt bị suy giảm nghiêm trọng do tập quán canh tác trồng nhiều vụ một năm; lạm dụng các loại phân bón trong thời gian dài dẫn tới đất bị trơ cứng, mất độ tơi xốp; tập quán canh tác độc canh lấy đi chất lượng dinh dưỡng của đất…

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày, thảo luận các vấn đề về: tầm quan trọng của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng, quy chuẩn về vi sinh vật trong đất, cần lập bản đồ dinh dưỡng đối với đất trồng lúa, nhiệm vụ của truyền thông trong quá trình triển khai đề án…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Hoàng Trung cho rằng, đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là ngôi nhà của các hệ sinh thái. Vì vậy, sức khỏe đất đang là vấn đề được cả Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tham gia thực hiện Đề án cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, tránh chung chung đồng thời phải có sự phối hợp với các đơn vị Cục, Viện nghiên cứu… trong quá trình triển khai; giao nhiệm vụ cho Cục Trồng trọt phối hợp Cục Bảo vệ thực vật phải đánh giá được kỹ càng từng loạt đất ở từng địa phương, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xem đất nào hợp cây nào, việc này cũng sẽ góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực…

Tin, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh