Phòng trị sâu vẽ bùa trên cây tắc

05:49, 15/10/2024

(VLO) Gần đây vườn tắc của tôi bị sâu vẽ bùa (SVB) tấn công nhiều. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị loại sâu bệnh này.

Lê Thanh Hà (Xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít)

Anh Hà mến!

SVB là một trong những loài gây hại nguy hiểm cho cây trồng. Khi SVB gây hại, lá nhỏ, dị dạng ảnh hưởng đến sự phát triển của chồi non. Hoa và trái có thể bị rụng khi cây bị gây hại nặng. Ở giai đoạn cây con nếu bị gây hại thường xuyên cây sẽ kém phát triển và có tán nhỏ hơn bình thường. SVB là môi giới truyền bệnh loét trên cây.

SVB gây hại quanh năm, tuy nhiên tập trung gây hại mạnh vào tháng 7, 8, 9 do thời điểm này cây ra đọt non nhiều, nguồn thức ăn dồi dào. Điều kiện thuận lợi để SVB gây hại thường là nhiệt độ từ 23-290C, độ ẩm từ 85-90%.

SVB thường gây hại trên các chồi và lá non. Ngay khi lá non vừa ra, ấu trùng SVB mới nở đục chui qua lớp biểu bì của lá để ăn phần mô mềm trong lá, ăn đến đâu biểu bì lá phồng đến đấy, tạo thành đường hầm ngoằn ngoèo.

Để phòng tránh SVB, cần thường xuyên theo dõi quan sát thăm vườn bảo vệ các đợt đọt non, phát hiện SVB kịp thời để có hướng giải quyết. Trường hợp cây bị SVB gây hại nặng, tiến hành cắt tỉa, loại bỏ các cành lá, chồi non đem đi tiêu hủy.

Cần phun phòng cho cây trước mỗi đợt ra lộc non bằng các chế phẩm trừ sâu sinh học phù hợp. Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của SVB.

Bón đầy đủ dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân hữu cơ, phân bón lá, phân trung vi lượng để giúp nâng cao sức đề kháng của cây trồng, cây trồng phát triển tốt lá to, lớp biểu bì dày khiến sâu non khó xâm nhập lá, hạn chế gây hại.

Bên cạnh đó, cần bảo vệ và phát triển các loài thiên địch trong vườn như kiến vàng các loại ong ký sinh để loại bỏ SVB một cách tự nhiên.

Khi mật số SVB cao (tỷ lệ lá non bị nhiễm hơn 10%), nên sử dụng các loại thuốc hóa học như: Chlorpyrifos ethyl (Pyrinex, Vitashield), Imidacloprid (Confidor, Admire), Cypermethrin (Polytrin), Alpha-Cypermethrin (Fastac).

Do sâu non ăn phá trong lớp biểu bì nên áp dụng phun thuốc sớm khi SVB vừa mới tạo đường đục để có hiệu quả cao.

Sau khi phun thuốc khoảng 7 ngày, nếu mật số gây hại chưa giảm thì phun lại lần 2. Ngoài ra, SVB có thể bộc phát tính kháng đối với thuốc nên cần luân phiên thuốc.

BẠN NHÀ NÔNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh