Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón

05:49, 15/10/2024

(VLO) Phân bón (PB) đóng vai trò rất quan trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng theo quy định, PB lại chính là một trong những tác nhân gây nên sự ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống.

 

Còn tình trạng lạm dụng phân bón

Trong trồng trọt, việc bón đúng, bón đủ PB hợp lý là giải pháp bắt buộc để giúp cây trồng mang lại năng suất tối ưu cho người sản xuất.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy rằng, thời gian qua, không ít nông dân vẫn còn lạm dụng PB làm tăng chi phí sản xuất và chưa nâng cao được hiệu quả đầu tư trên đơn vị diện tích.

Xa hơn nữa là có những tác động tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe con người, chất lượng nông sản, chưa thể đảm bảo cho một nền sản xuất hiệu quả và bền vững trong tương lai.

Hiện nay, giá PB trong nước liên tục biến động theo chiều hướng tăng cao, làm ảnh hưởng nhiều đến canh tác của người dân và làm giảm động lực sản xuất vụ mới cũng như về lâu dài ảnh hưởng đến lợi nhuận, thu nhập của nông dân.

Tuy nhiên, đây cũng sẽ là một động lực để nông dân tìm cách giảm chi phí và xem xét tính toán mức đầu tư vào đồng ruộng một cách hợp lý hơn để đảm bảo mang lại hiệu quả trong sản xuất.

Sử dụng PB hóa học nhiều năm trên vườn cam, chú Lê Văn Tân (xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn) cho hay: “Trước đây khi còn bón phân cho cây cam hoàn toàn bằng PB hóa học, tôi thấy rõ hiệu quả mang lại, PB có khả năng thẩm thấu nhanh, giúp cây nhanh phát triển, tăng năng suất.

Tuy nhiên khi sử dụng năm này qua năm khác tôi nhận thấy đất bị chai, kém màu mỡ và không còn tơi xốp, từ đó cam ngày một kém hiệu quả hơn. Do đó, tôi cũng đang tìm cách phục hồi”.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và canh tác thâm canh cây lúa, nông dân chủ yếu sử dụng PB hóa học, ít quan tâm cải thiện độ phì nhiêu đất trong canh tác dẫn đến các trở ngại trong canh tác lúa hiện nay.

Nông dân cần thay đổi thói quen sử dụng phân bón trên cây trồng theo hướng bảo vệ sức khỏe đất.
Nông dân cần thay đổi thói quen sử dụng phân bón trên cây trồng theo hướng bảo vệ sức khỏe đất.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT), qua kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy tình hình sử dụng PB (đạm, lân, kali) trên cây lúa tại một số địa phương trong tỉnh có xu hướng cao hơn mức khuyến cáo hiện nay.

Trong 3 loại phân (N, P, K), mức sử dụng phân P được khảo sát cho thấy sử dụng tăng cao nhiều nhất, gấp gần 2 lần so với mức khuyến cáo.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Để nông dân giảm lượng PB trên cây trồng, hướng tới sản xuất bền vững, an toàn, thời gian qua, ngành chức năng cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng thực hành tốt (GAP), sản xuất hữu cơ…

Trong đó, việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đã chú trọng và đẩy mạnh tăng cường sử dụng PB hữu cơ, PB vi sinh, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, giảm dần PB hóa học, hóa chất trong nông nghiệp,... nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, góp phần không nhỏ để cải tạo, nâng cao chất lượng đất, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác.

Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng cho hay, nông dân còn sản xuất theo truyền thống, tập quán cũ nên mặc dù được các cơ quan chuyên môn tập huấn, chuyển giao kỹ thuật vẫn gặp trở ngại trong ứng dụng thực tế sản xuất.

Bên cạnh đó thiếu vốn trong đầu tư, sản xuất không thể chủ động chọn lựa loại PB, quy trình áp dụng. Việc sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh các loại còn rất hạn chế và chưa được nhiều người dân quan tâm đầu tư, sử dụng rộng rãi để cải thiện dinh dưỡng cho đất trồng.

Một số cơ sở, đại lý kinh doanh PB do yếu tố doanh thu, lợi nhuận nên tư vấn sử dụng PB cho nông dân chưa phù hợp, chưa đúng quy trình kỹ thuật trong áp dụng…

Theo ngành chức năng, yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện nay là xây dựng một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Để thực hiện được yêu cầu này, nông dân cần phải nắm vững kỹ thuật canh tác và kiến thức về sản xuất sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường.

Đây không chỉ là biện pháp nâng cao chất lượng nông sản, mà còn giúp nông dân sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, đem lại thu nhập cao. Do đó, nông dân phải sử dụng PB, thuốc BVTV đúng loại, đúng cách, đúng lúc, đúng lượng.

Theo đó, để sử dụng PB hiệu quả trong sản xuất, trước tiên, nông dân cần hiểu được hiện trạng sức khỏe đất, đánh giá được lượng PB hữu dụng trong đất ở mức độ nào và xây dựng công thức PB cho từng vùng, từng đối tượng cây trồng, không để xảy ra tình trạng bón thừa, lãng phí.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe đất và nâng cao hiệu quả sử dụng PB cho cây trồng, một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy nâng cao sức khỏe đất là giảm các yếu tố đầu vào không hiệu quả của quá trình canh tác.

Theo đó, trong giai đoạn tới cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen sử dụng PB trên cây trồng theo hướng bảo vệ sức khỏe đất, nâng cao hiệu quả sử dụng PB, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất và bảo vệ môi trường.

Trong canh tác lúa, cần cải thiện hiệu quả hàm lượng lân hữu dụng trong đất để giảm lượng sử dụng lân vô cơ thông qua nâng cao đặc tính lý, hóa và sinh học đất.

Cần có đánh giá lại hàm lượng dinh dưỡng đạm nội tại do đất cung cấp nhằm đề xuất mức khuyến cáo hàm lượng đạm phù hợp. Đồng thời, tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, quản lý nước tưới, giải pháp bón phân hiệu quả nhằm giúp giảm thất thoát PB…

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh