Tăng cường quản lý thị trường “hàng online”

06:39, 06/09/2024

(VLO) Trong khi hoạt động kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển, thì tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ công khai trên các website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội (MXH)... cũng trở nên phổ biến, đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý lưu thông, kiểm soát chất lượng “hàng online”.

Khó kiểm soát chất lượng hàng hóa

Hiện nay, việc kinh doanh theo phương thức truyền thống của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp dần được thay thế bởi hình thức kinh doanh hiện đại như tham gia các sàn giao dịch TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki… để bán hàng, đồng thời ứng dụng công nghệ số để livestream bán hàng trên các nền tảng MXH như Zalo, Facebook, TikTok… để nâng cao hiệu quả kinh doanh, quảng bá sản phẩm.

Hình thức ứng dụng công nghệ số trong bán hàng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý.
Hình thức ứng dụng công nghệ số trong bán hàng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, theo ngành chức năng, nhiều đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để trục lợi.

Các khiếu nại của người tiêu dùng khi mua phải hàng online “dỏm” chủ yếu liên quan đến việc đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, không giống như quảng cáo, hoặc thông tin của đơn vị kinh doanh bị thay đổi ngay sau khi thanh toán.

Hơn nữa, vấn đề thông tin cá nhân của người tiêu dùng có thể bị cung cấp cho bên thứ ba, ảnh hưởng đến sự an toàn và bảo mật thông tin.

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, tình trạng vi phạm trong hoạt động thương mại nói chung và trên môi trường TMĐT nói riêng ngày càng phức tạp và nhiều thách thức.

Phổ biến là trường hợp kinh doanh online không đăng ký kinh doanh, không đăng ký kê khai nộp thuế, hàng hóa kinh doanh không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT rất khó khăn do việc kiểm tra, truy vết những đối tượng “ảo” không đơn giản, trong khi chế tài xử phạt chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe.

Theo ông Bùi Văn Chọn- Đội trưởng Đội QLTT số 4, tính đến tháng 6, tỉnh có tất cả 218 website thông báo bán hàng, trong đó có 75 website đã được xác nhận, có 2 website đang chờ duyệt, có 17 website yêu cầu cần bổ sung thông tin. Bên cạnh đó, có 93 website bị từ chối và 31 website đã chấm dứt hoạt động.

Có thể thấy, chỉ có 75 website bán hàng đã được thông báo, con số rất ít so với số lượng tổ chức, cá nhân đang kinh doanh có thiết lập website TMĐT để bán hàng.

“Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân thiết lập website bán hàng có thể hiện thông tin địa chỉ, địa điểm hoạt động kinh doanh trên website nhưng quá trình hoạt động đã thay đổi về địa chỉ kinh doanh, gây khó khăn cho công tác xác minh thông tin để ban hành quyết định kiểm tra; một cá nhân sử dụng nhiều tài khoản khác nhau hoặc thường xuyên thay đổi tài khoản; một số trường hợp đăng hình ảnh hàng hóa trên trang MXH với số lượng nhiều nhưng thực tế tại địa điểm kinh doanh thì rất ít, chỉ có một số loại đại diện, khi đặt hàng chốt đơn xong mới chuyển hàng từ nơi khác về.

Hoặc có một số trường hợp cá nhân thiết lập website TMĐT bán hàng nhưng khi bị kiểm tra xử lý thì trình bày là không biết việc phải thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định”- ông Bùi Văn Chọn cho biết.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Thời gian qua, lực lượng QLTT đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại, bán hàng giả...

 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác hoạt động TMĐT, thời gian tới, Cục QLTT tỉnh tiếp tục tập trung theo dõi, tiến hành truy vết, kiểm tra, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức lợi dụng nền tảng TMĐT để quảng bá, kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng QLTT, đặc biệt là trình độ sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế của đơn vị. Tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trên môi trường TMĐT.

Cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh TMĐT; chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin từ người tiêu dùng, doanh nghiệp về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT…

Ông Trần Quốc Linh- Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho hay: “Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT tiếp tục tăng cường kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực TMĐT; quản lý giám sát hoạt động của các website TMĐT và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, MXH như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram, Twitter…

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm, xử lý tình trạng các mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, mất an toàn thực phẩm được rao bán công khai, tràn lan trên các trang MXH”.

Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 8 vụ, phạt hành chính 96,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm trị giá hơn 31 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh