Ngày 13/9, Chi cục Trồng trọt-BVTV (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình “Quản lý bệnh thối gốc và thối củ trên cây khoai lang ở địa bàn huyện Bình Tân”.
Mô hình quy mô 0,1ha, thực hiện trong 6 tháng (từ tháng 3-9/2024) tại xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân. Để quản lý hiệu quả đối tượng bệnh thối gốc và thối củ khoai lang, mô hình áp dụng đồng bộ các biện pháp về giống, biện pháp canh tác, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học...
Tại thời điểm 145 ngày sau khi trồng, tỷ lệ củ thương phẩm của ruộng trong mô hình đạt 79,8% cao hơn so với đối chứng nông dân là 3,3%. Đồng thời, bề mặt vỏ củ khoai lang của ruộng mô hình trơn bóng (không có hiện tượng rạn nứt vỏ) và màu sắc đẹp hơn rất nhiều so với ruộng đối chứng. Ruộng trong và ngoài mô hình được đánh giá có năng suất tương đương nhau, bán với giá như nhau nhưng nhờ vào việc giảm lượng phân hóa học và giảm được 4 lần phun thuốc BVTV làm cho chi phí đầu tư trong mô hình thấp hơn, dẫn đến lợi nhuận đạt được trong mô hình cao hơn so với ruộng nông dân là 2.130.000 đ/1.000m².
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV, cho biết: Qua kết quả thực hiện mô hình, bước đầu đã cho thấy được quy trình quản lý tổng hợp đã mang lại hiệu quả tốt trong việc quản lý bệnh thối gốc và thối củ trên cây khoai lang và giữ vững năng suất và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Từ kết quả thực tế của mô hình, địa phương và ngành chuyên môn cần tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân canh tác khoai lang trên địa bàn tỉnh áp dụng.
THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin