(VLO) Theo quyết định phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, phát triển kiến trúc đối với mỗi đô thị (ĐT) phải bảo đảm giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm kết hợp hài hòa giữa quá khứ với hiện tại…
Kiến trúc đô thị bảo đảm thống nhất từ không gian tổng thể đến công trình kiến trúc. Ảnh: TL |
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về kiến trúc; đến năm 2025, các ĐT hoàn thành xây dựng quy chế quản lý kiến trúc; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.
Đến năm 2030 hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc quốc gia; số hóa các công trình kiến trúc có giá trị; các công trình kiến trúc bảo đảm tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái...
Theo đó, phát triển kiến trúc đối với mỗi ĐT phải bảo đảm giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật; bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; bảo đảm kết hợp hài hòa giữa quá khứ với hiện tại; có dự báo hợp lý trong tương lai, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Đối với khu vực nông thôn, phát triển kiến trúc cần đề cao sự tham gia của cộng đồng; bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng; khuyến khích phát triển các công trình kiến trúc có tính kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên và điều kiện khí hậu của từng địa phương…
Bản sắc văn hóa trong kiến trúc phải được bảo tồn, phát huy phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc điểm vùng miền; phản ánh mối quan hệ với nền kiến trúc hiện đại, ứng dụng những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật; gắn kết khả năng công nghệ, vật liệu, kinh tế của từng địa phương.
Phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng trong việc tham gia vào quá trình phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần tạo lập, hoàn thiện môi trường cư trú tiện nghi và bền vững.
Quyết định cũng nêu cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam như: Xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; lý luận, phê bình kiến trúc; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...
Tại Vĩnh Long, cuối năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý kiến trúc ĐT TT Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm và Quy chế quản lý kiến trúc ĐT TT Cái Nhum, huyện Mang Thít.
Qua đó, nhằm quản lý cảnh quan ĐT, kiến trúc các công trình xây dựng theo quy hoạch ĐT được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang ĐT theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng kiến trúc thị trấn.
Bên cạnh, nhằm cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để quản lý kiến trúc ĐT phù hợp với điều kiện thực tế của thị trấn và của huyện.
Cùng với đó, quy định về kiến trúc các loại hình công trình làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng; cung cấp thông tin quy hoạch- kiến trúc và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, là cơ sở quản lý việc xây dựng, chỉnh trang, phát triển ĐT và là cơ sở để cấp phép xây dựng.
Tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TT Cái Nhum, huyện Mang Thít. Trong ảnh: Một góc TT Cái Nhum. |
Theo thuyết minh Quy chế quản lý kiến trúc ĐT TT Cái Nhum, huyện Mang Thít, định hướng phát triển ĐT theo cấu trúc ĐT tập trung. Do hiện trạng thị trấn có trung tâm ĐT nằm về phía Nam và tiếp giáp với sông Măng Thít (ranh giới huyện Vũng Liêm), hướng phát triển không gian chủ yếu của thị trấn là phát triển về hướng Tây, Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc của thị trấn.
Hướng phát triển không gian sẽ được tập trung trên 3 tuyến giao thông đối ngoại chính: ĐT 903, ĐT 907, Đường huyện 32B; đường thủy theo tuyến sông Măng Thít, sông Cái Nhum và Chánh Thuận.
Ngoài ra, việc gắn kết định hướng phát triển giữa ĐT cũ và phần mở rộng mới quy hoạch định hướng phát triển thêm các trục đường vành đai, các trục đường ĐT hướng tâm, các trục liên kết theo 2 phương ngang, dọc của hệ thống giao thông để kết nối tạo nên khung giao thông hoàn chỉnh phát triển ĐT.
Phát triển các khu dân cư, khu ĐT mới ở vòng ngoài lân cận với ĐT trung tâm để đáp ứng nhu cầu phát triển của ĐT.
Trên cơ sở hệ thống khung giao thông được hình thành hoàn chỉnh sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và phát triển các khu chức năng ĐT, từ đó sẽ sớm hình thành và phát triển bộ mặt kiến trúc cảnh quan ĐT khang trang hiện đại, tiện nghi.
Theo Sở Xây dựng Vĩnh Long, 6 tháng cuối năm 2024, đôn đốc huyện Bình Tân trong việc lập Quy chế quản lý kiến trúc ĐT TT Tân Quới theo Luật Kiến trúc 2019. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết của Sở Xây dựng, ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngành xây dựng cần thực hiện tốt công tác quản lý kiến trúc, quản lý quy hoạch. Đặc biệt quan tâm kiến trúc ĐT, đặc biệt là những công trình quan trọng, tạo “điểm nhấn”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin