(VLO) Vĩnh Long đang đẩy mạnh mời gọi đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), tạo quỹ đất sạch nhằm chào đón, thu hút các nhà đầu tư lớn trong thời gian tới.
Vĩnh Long có vị trí thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH |
Tận dụng lợi thế
Vĩnh Long có vị trí thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa, kết nối giao thương với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, các vùng kinh tế khác của cả nước.
Đặc biệt là trong năm có 2 công trình giao thông trọng điểm lớn được đưa vào khai thác là cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 đã góp phần đưa Vĩnh Long là điểm đến cho các nhà đầu tư đến sản xuất kinh doanh lâu dài.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, tỉnh Vĩnh Long có vị trí địa lý chiến lược quan trọng của vùng, được Quy hoạch vùng ĐBSCL xác định thuộc khu vực tứ giác trung tâm của vùng (gồm Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long).
Vĩnh Long được bao quanh bởi 2 nhánh sông lớn là sông Tiền và sông Hậu, cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt và nhiều điều kiện tự nhiên giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, làng nghề theo định hướng phát triển du lịch xanh,…
Đồng thời, Vĩnh Long đóng vai trò quan trọng trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng, được xem như “hậu phương” trong phòng chống xâm nhập mặn, góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước.
Hiện Vĩnh Long có 2 KCN đang hoạt động là KCN Hòa Phú giai đoạn I và II; KCN Bình Minh. Tổng diện tích đất tự nhiên là 385,8ha; diện tích đất công nghiệp và dịch vụ có thể cho thuê là 290,56ha, tỷ lệ lấp đầy 2 KCN này là 96,3%.
2 KCN này có vị trí thuận lợi; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư.
Với những lợi thế trên, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN của Vĩnh Long trong thời gian qua đạt kết quả tích cực. Tính đến nay, các KCN của tỉnh đã thu hút được 68 dự án đầu tư, với tổng vốn thực hiện/đăng ký là 2.126,87/3.258,4 tỷ đồng (đạt 65,27%) và 699,93/1.008,63 triệu USD (đạt 69,39%); giải quyết việc làm cho 47.705 lao động.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đã tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đóng góp tỷ trọng cao về giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Trong năm 2023, các KCN của Vĩnh Long đạt tổng doanh thu trên 28.856 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 19.096 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt hơn 621 triệu USD, nộp thuế gần 175 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh, việc thu hút vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành phát triển kinh tế- xã hội, luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất quán và xuyên suốt.
Dọn chỗ đón đầu tư
Nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tỷ trọng cao về giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu của tỉnh. Ảnh minh họa |
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó, về phương án phát triển hệ thống KCN, cụm công nghiệp, tỉnh phát triển các KCN, cụm công nghiệp tại những vị trí thuận lợi, kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, cảng hàng hóa; đảm bảo các điều kiện hạ tầng điện, nước, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…
Đến năm 2030, khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, toàn tỉnh sẽ có 5 KCN. Cụ thể, thành lập mới 3 KCN tại TX Bình Minh, các huyện Bình Tân, Mang Thít. Tiếp tục nghiên cứu, mở rộng KCN Hòa Phú (giai đoạn III), diện tích 157ha, khi được bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất của cấp có thẩm quyền.
Ở thời điểm hiện tại, ngoài 2 KCN đã đi vào hoạt động, Vĩnh Long còn có 2 KCN đã được thành lập là KCN Đông Bình và KCN Gilimex Vĩnh Long, với tổng diện tích 605ha, dự kiến đất công nghiệp cho thuê là 443ha. Ngoài ra, có 1 KCN đang trong quá trình xin chủ trương thành lập (KCN An Định với diện tích 200ha).
Đặc biệt, KCN Gilimex Vĩnh Long (huyện Bình Tân) có diện tích 400ha, đã được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ban Quản lý Các KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện dự án (giai đoạn I) với diện tích 255ha; UBND huyện Bình Tân phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KCN Gilimex Vĩnh Long, giai đoạn I.
Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Theo Sở Công Thương, thời gian tới, sẽ tập trung mời gọi đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các KCN. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng KCN.
Tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các KCN mới, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ hiện đại, xanh và thân thiện với môi trường; các dự án lớn. Qua đó thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu…
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.
Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án và phát triển bền vững tại tỉnh Vĩnh Long.
Tại hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Long đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/biên bản ghi nhớ/thỏa thuận hợp tác đầu tư cho đại diện các nhà đầu tư với 13 dự án, có tổng vốn đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin