Nếu hộ gia đình trồng lúa dưới 1ha, thì sau khi trừ các chi phí với điều kiện giá lúa ổn định, thì khoảng 4-5 nhân khẩu tính bình quân lợi nhuận chỉ loanh quanh vài triệu đồng mỗi người. Nhưng nếu cùng điều kiện sản xuất đó, với diện tích càng lớn thì nông dân (ND) sẽ đạt lợi nhuận càng cao. Còn muốn tiến tới làm ăn lớn, cánh đồng lớn, thì chỉ có tích tụ đất đai (ĐĐ) cùng với tăng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nền nông nghiệp mình mới vượt qua được lối sản xuất, trồng trọt manh mún.
Luật ĐĐ trước đây quy định hạn điền đã trói buộc ND vào cái vòng lẩn quẩn, cho đến khi Luật ĐĐ năm 2003 cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đã cởi trói cho nhiều ND giỏi tích tụ ĐĐ, chuyển nhượng từ những mảnh ruộng canh tác không hiệu quả dần thành những vùng sản xuất rộng lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Sau hơn 20 năm ở ĐBSCL đã có rất nhiều ND sản xuất giỏi trên những mảnh ruộng có quy mô diện tích rộng lớn. Khi sở hữu diện tích đất đủ lớn, từng ND dễ dàng vay vốn đầu tư máy móc cơ giới hóa trên chính mảnh ruộng của mình; đồng thời tăng thu nhập từ việc tận dụng máy móc để làm thêm; vừa giảm được nhân công sản xuất, vừa rút ngắn thời gian thu hoạch. Qua đó, tăng cao lợi nhuận. Công việc làm nông cũng trở nên nhàn nhã, quản lý cánh đồng khoa học hơn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, quá trình tích tụ ĐĐ của ND ĐBSCL diễn ra còn rất hạn hẹp, không có nhiều ND có đủ năng lực vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 có nêu, canh tác ND vẫn trên diện tích nhỏ lẻ dưới 2ha. Trong khi Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nhận định tại ĐBSCL, hộ chuyên trồng lúa phải có ít nhất trên 2ha mới vượt qua ngưỡng đói nghèo và phải có từ 3ha trở lên mới có khả năng vươn lên làm giàu. Nhiều ND trồng lúa cố cựu khẳng định rằng, làm lúa mà cứ quanh quẩn mảnh đất nhỏ thì mãi chẳng khá lên nổi.
Nhiều ND có kinh nghiệm lâu năm, nhưng vẫn đành phải “giậm chân tại chỗ” trong sản xuất quy mô nhỏ. Dù năng suất thửa ruộng đã đạt đến mức tối đa, họ vẫn không đủ sống vì chi phí sản xuất đè bẹp lợi nhuận. ĐĐ là tư liệu sản xuất không thể thay thế trong nông nghiệp. Muốn giải quyết tình trạng nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp thì tích tụ, tập trung ĐĐ là cách duy nhất. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong nước.
Cùng với “dồn điền đổi thửa”, Luật ĐĐ sửa đổi năm 2003 cho phép ND chuyển nhượng đất nông nghiệp, từng bước mở rộng hạn mức thay vì chỉ giới hạn 3ha. Luật ĐĐ 2024 vừa được Quốc hội thông qua một lần nữa nới rộng “cánh cửa” hạn điền. ND có thể nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương, lên đến 45ha. Dù “vòng kim cô” hạn điền được nới lỏng, tỷ lệ hộ có diện tích đất trồng lúa trên 2ha tại ĐBSCL chỉ tăng nhẹ, từ 13% năm 2011 lên gần 17% vào năm 2020. Điều đó chứng tỏ năng lực của ND vẫn rất yếu, rất cần hỗ trợ từ nhiều chính sách mạnh mẽ hơn.
Hailua@.com
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin