Tăng cường quản lý nuôi vịt chạy đồng

12:54, 20/08/2024

(VLO) Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu là thời điểm các đàn vịt chạy đồng được người chăn nuôi di chuyển đến các cánh đồng để tận dụng nguồn lúa rơi rụng và các sinh vật trên đồng ruộng nhằm giảm chi phí chăn nuôi. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngành chuyên môn và các địa phương cũng tăng cường quản lý các đàn vịt này.

Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho đàn vịt chạy đồng.
Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho đàn vịt chạy đồng.

Theo các hộ nuôi vịt chạy đồng, nuôi theo hình thức này mặc dù vất vả do phải di chuyển liên tục từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, bù lại chi phí sẽ giảm hơn nhiều so với nuôi nhốt.

Vì chỉ cần mua những ruộng đã thu hoạch lúa xong từ các hộ dân, tiếp theo là bơm nước lên và thả vịt vào ruộng, khi đó chúng sẽ tự tìm kiếm thức ăn trên đồng.

Có hơn 500 con vịt nuôi chạy đồng, chú Nguyễn Thanh Sơn (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) cho biết: “Tôi nuôi vịt chạy đồng gần 10 năm nay.

Nuôi vịt theo hình thức chạy đồng sẽ giảm được chi phí tiền đổ thức ăn cho vịt, bởi khi có đồng trống thì thả cho vịt tự kiếm nguồn thức ăn tự nhiên như lúa còn sót lại trên đồng, cua, ốc bươu vàng, các loại sâu bọ…

Tuy nhiên, hình thức nuôi này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro do phải di chuyển thường xuyên, liên tục qua nhiều cánh đồng ở các địa phương khác nhau, nên vịt chạy đồng thường dễ mắc bệnh, sức đề kháng cũng giảm.

Do đó, tôi luôn chủ động phòng chống dịch bệnh, nắm rõ quy định về thủ tục khi đưa đàn đi các tỉnh khác, chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi của mình đủ liều, đúng thời gian quy định”.

Nhiều năm nuôi vịt chạy đồng, anh Nguyễn Văn Sáng (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) cho biết: “Nếu so với nuôi nhốt thì chi phí nuôi vịt trong mùa chạy đồng giảm khoảng 1/3. Trong khi đó, sản lượng trứng lại cao hơn, trứng to và chất lượng nên bán được giá hơn.

Để bảo vệ đàn vịt, tôi cũng chủ động mua vaccine tiêm phòng cúm gia cầm (GC) đầy đủ cho đàn vịt”.

Theo ngành thú y, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện tốt việc rà soát, tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh cúm GC cho đàn GC.

Đồng thời, hướng dẫn chủ chăn nuôi GC tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch.

Theo đó, các đàn vịt chạy đồng từ địa phương khác vào tỉnh cũng như các đàn vịt di chuyển trong tỉnh đều được kiểm tra thông tin đàn, giấy xác nhận đã tiêm phòng các loại dịch bệnh đặc biệt là vaccine cúm GC còn thời hạn miễn dịch.

Việc chăn thả tại địa phương cũng được đảm bảo vệ sinh môi trường. Để đảm bảo dịch bệnh trên các đàn GC, thời gian qua ngành chuyên môn và các địa phương cũng đã tăng cường công tác tiêu độc khử trùng các khu vực có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Ông Lê Văn Năm- Trưởng Trạm Thú y huyện Trà Ôn, cho biết: Hiện số lượng vịt nuôi chạy đồng trên địa bàn huyện không còn nhiều do diện tích sản xuất lúa bị thu hẹp hơn trước.

Tuy nhiên, khi có đàn vịt chạy đồng, trạm cũng phối hợp cùng các cán bộ thú y tăng cường kiểm soát việc chăn nuôi vịt của người dân.

Đặc biệt, chú trọng đến các đàn vịt từ nơi khác di chuyển đến, đảm bảo tất cả đàn vịt này đều được tiêm phòng và nhốt cách ly đúng quy định khi nhập vào.

Trong khi đó, địa phương cũng đã tổ chức nhiều biện pháp nhằm giám sát hiệu quả đàn vịt chạy đồng bằng cách kiểm soát việc cho thuê đồng và theo dõi sổ nhập, xuất đàn vịt ra vào, hạn tiêm phòng vaccine.

Song song đó, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ đàn vịt chạy đồng từ nơi khác đến, các địa phương trong tỉnh và ngành chức năng cũng theo dõi đàn GC trong tỉnh để tiêm phòng, không bỏ sót đối với GC hết thời hạn miễn dịch.

Đồng thời, phân công cán bộ thú y đến hộ chăn nuôi để tuyên truyền cách chăm sóc tốt đàn GC.

Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh), từ đầu năm đến nay dịch bệnh trên đàn GC được kiểm soát tốt, trên địa bàn tỉnh phát hiện 1 ổ dịch cúm GC trên gà.

Sau khi phát hiện ngành phối hợp với địa phương dập dịch hiệu quả không để lây lan diện rộng. Thời gian tới, ngành thú y sẽ thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh, trong đó có bệnh cúm GC, tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Song song đó, khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế rủi ro, đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh