Mang Thít phát triển nông nghiệp theo hướng sạch

THẢO LY
14:34, 27/08/2024
Nông nghiệp Mang Thít phát triển theo hướng an toàn, bền vững.
Nông nghiệp Mang Thít phát triển theo hướng an toàn, bền vững.

Theo ngành nông nghiệp (NN) huyện Mang Thít, thời gian qua, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới, sản xuất theo quy trình GAP ngày càng được quan tâm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản trên một đơn vị diện tích. Nhiều mô hình sản xuất NN có hiệu quả được duy trì và nhân rộng. Qua đó, từng bước phát triển NN theo hướng NN sạch, chất lượng, giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít, được sự quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện của các ngành, các cấp, đặc biệt là các sở, ngành tỉnh và sự đồng tình, hưởng ứng thực hiện của người dân nên việc phát triển NN ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Cây trồng, vật nuôi phát triển ngày càng đa dạng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được nông dân ứng dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất, bảo quản nông sản hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Huyện đã và đang tập trung xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, dự án NN ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất và đời sống, quy trình kỹ thuật mới được chuyển giao góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, nhân rộng và phát triển mô hình chăn nuôi gà gia công, chăn nuôi trang trại; mô hình hỗ trợ phát triển vùng nuôi lươn thâm canh an toàn thực phẩm gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ; mô hình trồng bí nụ theo hướng hữu cơ; triển khai nhân rộng ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “giải pháp đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống, cho cộng đồng tham gia ngành nghề sản xuất gạch, gốm ở huyện Mang Thít” bằng mô hình trồng nấm bào ngư…

Huyện cũng đã xây dựng được 3 vùng sản xuất sầu riêng tại xã Chánh An, Mỹ An và Nhơn Phú đạt tiêu chuẩn VietGAP, vùng sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Long Hội và vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Long Hội, Tân Long và Tân An Hội.

Theo đánh giá của ngành chức năng, để đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với xu thế tiêu dùng, người dân cũng đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong sản xuất NN, hướng tới sản xuất hữu cơ an toàn, phát triển bền vững.

Chú Nguyễn Văn Hưng (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cho biết: “Hiện tôi có 5 công trồng sầu riêng theo hướng an toàn, hữu cơ. Trước đây tôi có sử dụng phân bón hóa học nhưng vài năm trở lại đây tôi đã chuyển sang sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ từ các nguyên liệu tự nhiên. Qua đó, đất được cải tạo rõ rệt, tăng tuổi thọ của cây, cây cũng đạt năng suất, chất lượng hơn”.

Tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm tiềm năng

Theo ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít, thời gian qua, huyện luôn quan tâm, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, HTX hoạt động, đồng thời tăng cường phối hợp với các sở, ngành của tỉnh nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về các nguồn vốn, chuyển giao về khoa học công nghệ, kết nối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất NN không ngừng được đầu tư cải tạo, nâng cấp và ngày càng hoàn thiện, nhất là công tác thủy lợi luôn được thực hiện tốt, đảm bảo nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất NN và đời sống của người dân.

Tuy nhiên, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ, khuyến khích phát triển NN ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NN, nông thôn; một số HTX NN hoạt động, phát triển thiếu tính bền vững. Đó là chưa kể, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao của người dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do ảnh hưởng của tập quán sản xuất truyền thống. Quy mô sản xuất NN của huyện chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao…

“Thời gian tới, huyện sẽ tập trung ưu tiên phát triển các mặt hàng chủ lực, sản phẩm tiềm năng; phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển các nông sản chủ lực để tăng hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh. Đầu tư các mô hình, dự án hỗ trợ người dân xây dựng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua hợp đồng nhằm đảm bảo tiêu thụ ổn định, bền vững các sản phẩm NN, nhất là những vùng sản xuất tập trung lớn và các sản phẩm NN chủ lực; ưu tiên cho các doanh nghiệp kết hợp cung ứng đầu vào với tiêu thụ sản phẩm làm ra. Đồng thời, giới thiệu và vận động cơ sở, HTX, doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư,... tạo điều kiện giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…”- ông Hồ Phước Dư cho biết.

Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành NN huyện Mang Thít giai đoạn 2021-2025, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành NN- thủy sản tăng bình quân 2,6 %/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm NN, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 20%; sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt 10%; sản phẩm NN ứng dụng công nghệ cao đạt 20%; tỷ lệ lao động NN trong tổng lao động xã hội giảm còn 40%; tỷ lệ lao động NN qua đào tạo trên 55%; trên 60% HTX NN hoạt động có hiệu quả…

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh