Ngày nay, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành điều kiện sống còn đối với mỗi doanh nghiệp (DN). Trong khi nhiều DN bắt tay thực hiện chuyển đổi số, thì người lao động cũng đang tự chuyển đổi theo nhu cầu công việc mới để trở thành nguồn nhân lực số.
![]() |
Chị Trần Thị Trúc Hương cho biết bản thân đã có tư duy mở, không ngừng học hỏi để thích nghi công nghệ mới. |
Định hướng tư duy số
Nhận thấy thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, không chỉ phải nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn làm thế nào để có giá cả cạnh tranh, xây dựng thương hiệu đến gần hơn với khách hàng. Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi PuTin không ngừng đổi mới và nâng cao công nghệ theo hướng tự động hóa hoàn toàn, qua việc đầu tư nâng cấp mới dây chuyển sản xuất tự động gần 20 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tấn Thụ- Giám đốc công ty, việc đổi mới và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất hiện nay đối với DN là hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn đẩy nhanh tiến độ tiếp cận với công nghệ mới hơn. “Qua việc đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, hiệu quả kinh doanh của DN tăng cao, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng tái đầu tư và đa dạng hóa sản phẩm tốt hơn”- ông Thụ nói.
Là một DN hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, một ngành vốn mang tính sáng tạo, linh hoạt và cần ứng dụng công nghệ hiện đại, Công ty Truyền thông KV Media luôn xác định chuyển đổi số chính là chìa khóa để nâng cao năng suất, tối ưu chi phí, và tạo nên trải nghiệm đột phá cho khách hàng.
Theo ông Nguyễn Công Danh- Giám đốc điều hành: “Đơn vị đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào toàn bộ chuỗi hoạt động. Từ sử dụng phần mềm quản lý dự án sự kiện, CRM chăm sóc khách hàng, đến ứng dụng AI, AR/VR trong thiết kế sân khấu và trải nghiệm người tham dự. Đồng thời triển khai các nền tảng sự kiện trực tuyến, livestream tương tác, vé mời điện tử và quản lý người tham dự qua QR code. Đặc biệt, toàn bộ quy trình nội bộ cũng được số hóa, từ báo giá, hợp đồng, kế toán đến hậu kiểm sự kiện”.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai luôn nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hiệu quả vận hành. “Công ty đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ tự động hóa dây chuyền sản xuất, đến ứng dụng dữ liệu trong phân tích thị trường, tối ưu vận hành và chăm sóc khách hàng.
Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng đã thực hiện bằng công nghệ, giúp minh bạch và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng… Bên cạnh đó, chúng tôi còn đầu tư đào tạo và định hướng tư duy số cho toàn thể cán bộ, nhân viên. Lãnh đạo phải là người đi trước, nhân viên là người đồng hành”- bà Lê Trúc My- Giám đốc công ty cho biết.
Thay đổi để thích ứng
Theo các DN, để quá trình chuyển đổi số mang lại giá trị thực chất và lâu dài, không chỉ dừng lại ở việc đầu tư công nghệ, phần mềm hay hạ tầng số, mà yếu tố then chốt nằm ở chính con người. DN chuyển đổi số, thì người lao động, từ công nhân sản xuất, nhân viên văn phòng đến quản lý cũng bắt buộc phải “chuyển đổi” trong tư duy, kỹ năng và cách làm việc.
Theo bà Nguyễn Thị Đoàn- Giám đốc Mobifone tỉnh Vĩnh Long, là một thành viên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đơn vị đồng hành cùng nhiều tổ chức, DN trên hành trình chuyển đổi số. Qua đó có thể nhận định thành công của chuyển đổi quan trọng nhất là “con người số”, “nguồn nhân lực số”.
“Con người số” không chỉ là người biết sử dụng công nghệ, mà là người chủ động học hỏi, tư duy dựa trên dữ liệu, làm việc linh hoạt trong môi trường số, sẵn sàng kết nối, hợp tác, và đặc biệt là có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi không ngừng. Đó là người dám đổi mới, không ngại thử, không sợ sai và luôn hướng về phía trước”- bà Đoàn chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Đoàn cũng cho rằng, trong hành trình chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ, các đơn vị, DN sẽ dành sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho yếu tố con người, vì đây mới là lực đẩy mạnh mẽ và bền vững nhất cho sự thay đổi trong công cuộc chuyển đổi số.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Danh cho biết, ban lãnh đạo luôn nhắc đội ngũ nhân viên, người lao động là không ai có thể đứng ngoài cuộc chuyển đổi số, “hoặc bạn thay đổi, hoặc bạn bị thay thế. Rất mừng là chúng tôi đang có một tập thể trẻ, sáng tạo, sẵn sàng thích nghi và dấn thân vào hành trình này. Với việc mạnh dạn chuyển đổi số, bất cứ DN nào cũng sẽ có thể bứt phá trong thời đại số”- ông Danh nói thêm.
Chị Phạm Ngọc Thùy Trang- Quản lý truyền thông (Công ty Truyền thông KV Media) cho biết: “Trong thời buổi công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành “cánh tay đắc lực” cho công việc tổ chức sự kiện và sáng tạo nội dung của mình.
Cụ thể có thể giúp tiết kiệm thời gian suy nghĩ khi tổng hợp thông tin và lên kịch bản chi tiết hơn, tiết kiệm chi phí thiết kế hình ảnh và lên ý tưởng. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả làm việc toàn diện hơn. Nhờ không ngừng tìm tòi, học hỏi và tự trang bị kiến thức cho mình nên trong công việc, tôi đã dễ dàng xác định nhóm khách hàng phù hợp, dự báo số lượng khách tham dự và thiết kế chương trình tương thích với nhu cầu của khách hàng, từ lựa chọn địa điểm, bố trí không gian cho đến lịch trình chi tiết”.
Còn chị Trần Thị Trúc Hương- Quản lý kinh doanh công nghệ số (Mobifone tỉnh Vĩnh Long), cho biết: “Trước đây, có những tác vụ thủ công lặp đi lặp lại, rất mất thời gian như nhập liệu, tổng hợp báo cáo, đối soát dữ liệu… thì nay đã được tự động hóa nhờ các công cụ phần mềm, nền tảng quản lý công việc hoặc trí tuệ nhân tạo. Việc này giúp giảm ít nhất 30- 50% thời gian xử lý công việc mỗi ngày. Nhân viên có thể dành thời gian cho những việc có giá trị hơn như phân tích dữ liệu, cải tiến sản phẩm, hoặc đề xuất giải pháp mới”.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin