Triển khai Kế hoạch số 51/KH-SKHCN, tỉnh Vĩnh Long đang đẩy mạnh trang bị kiến thức, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua lớp tập huấn “Bình dân học vụ số”. Đây là bước đi thiết thực, nền tảng để tiến tới ứng dụng chuyên sâu trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, xã hội số.
![]() |
Sở KH-CN vừa tổ chức tập huấn “Ứng dụng AI dành cho cán bộ, công chức và viên chức tỉnh Vĩnh Long”. |
Trường ĐH Cửu Long đẩy mạnh hoạt động khoa học- công nghệ
Trường ĐH Cửu Long vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. PGS.TS Lương Minh Cừ- Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long nhấn mạnh: “Thông qua Nghị quyết số 57, trường xác định đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là khâu đột phá then chốt, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương và quốc gia”.
Từ 2020-2025, dù là cơ sở giáo dục tư thục, trường chủ động đầu tư bình quân 3-5 tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động KH-CN, triển khai 78 đề tài cấp cơ sở, hàng trăm đề tài cấp khoa, giáo trình và đề tài nghiên cứu sinh viên. Về chuyển đổi số, trường đã hoàn thành các chỉ tiêu theo Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, như chuẩn hóa dữ liệu số, phát triển nhân lực số, thương mại điện tử, thư viện trực tuyến… với tổng đầu tư trên 4 tỷ đồng cho hạ tầng phần mềm quản trị.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 57, trường có Kế hoạch số 472/KH-ĐHCL và thành lập BCĐ thực hiện, đồng thời tham gia Ban Cố vấn cho Tỉnh ủy Vĩnh Long triển khai Chương trình hành động địa phương. Nhà trường cũng xác định rõ các định hướng chiến lược: phát triển mô hình ĐH đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm nghiên cứu, vườn ươm công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tái cấu trúc hoạt động KH-CN; áp dụng AI, dữ liệu lớn trong quản lý nghiên cứu; đổi mới chính sách khuyến khích giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học; và tăng cường hợp tác quốc tế.
Triển khai chuyên đề Nghị quyết số 57 và Nghị quyết số 45-NQ/TW, nhằm nâng cao nhận thức, tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong toàn trường. Đây cũng là diễn đàn để cán bộ, giảng viên, nhân viên nêu kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57 tại trường, góp phần đưa KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực trọng yếu thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững cho Vĩnh Long và ĐBSCL.
Theo ông Huỳnh Thành Đạt- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương: Các trường ĐH, cần chủ động tiếp cận tư duy mới về vai trò trường ĐH trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, không chỉ là nơi đào tạo mà còn là trung tâm thiết kế, phát triển cho địa phương, khu vực. Phải nghiên cứu đổi mới quản trị theo hướng hiện đại, linh hoạt, gắn trách nhiệm với kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phù hợp với cơ chế hoạt động đặc thù của các trường ĐH.
Thực hiện số hóa sâu rộng từ giảng dạy, quản trị đến nghiên cứu khoa học; tiên phong triển khai mô hình chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục ĐH để làm gương, tạo động lực cho xã hội. Đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng công nghệ, tăng kinh phí nghiên cứu khoa học; thành lập nhóm nghiên cứu mạnh, gắn nghiên cứu với doanh nghiệp, thị trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
![]() |
Cán bộ, công chức, viên chức cần cập nhật kiến thức chuyên sâu để ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phụ trách phù hợp, hiệu quả. |
Từ “bình dân học vụ số” đến ứng dụng chuyên sâu theo lĩnh vực
Trong khi đó, thực hiện Kế hoạch số 51/KH-SKHCN, Sở KH-CN đã mở lớp tập huấn “Bình dân học vụ số- Ứng dụng AI dành cho cán bộ, công chức và viên chức tỉnh Vĩnh Long”. Đây là lớp tập huấn đầu tiên trong năm 2025, thu hút gần 700 cán bộ, công chức, viên chức. Theo bà Đoàn Hồng Hạnh- Giám đốc Sở KH-CN, đây là một trong những nội dung được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cơ bản về AI, chuyển đổi số, từ đó thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao năng lực số, góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số tại địa phương.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Bình- báo cáo viên chính: “Đây là bước khởi đầu quan trọng để tạo tiền đề cho việc triển khai hiệu quả các nội dung của kế hoạch chuyển đổi số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi toàn diện phương thức làm việc, quản trị, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng công việc. Để làm được điều này, cán bộ, công chức phải trang bị kỹ năng số, hiểu bản chất dữ liệu, sử dụng thành thạo công cụ số để thực hiện nhiệm vụ”.
Lớp tập huấn “Bình dân học vụ số” cung cấp kiến thức nền tảng về chuyển đổi số, quản trị dữ liệu, hạ tầng số, các ứng dụng công nghệ hiện đại như cảm biến, AI… đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dữ liệu “sạch”, chính xác, cập nhật thường xuyên để bảo đảm hệ thống phần mềm vận hành hiệu quả. Qua đó khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, tạo nền tảng vững chắc để từng bước ứng dụng chuyên sâu AI trong các lĩnh vực. Đây chính là tiền đề quan trọng để Vĩnh Long hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.
Sau khi tham gia tập huấn, chị Phạm Võ Quỳnh Như- Sở Văn hóa- TT- DL cho biết, đã tìm hiểu về chatGPT ở mức cơ bản tìm hiểu thông tin và cho rằng lớp tập huấn khá hay vì đã hệ thống một cách khá tổng quan cho người học biết về AI. Không chỉ dừng lại ở kiến thức nền tảng, anh Nguyễn Trần Yêm- Sở Văn hóa- TT- DL, cho biết: “Lớp tập huấn rất bổ ích, đã cung cấp kiến thức tổng quan về AI. Tuy nhiên, tôi mong sẽ có các lớp chuyên sâu hơn, ví dụ với ngành du lịch, AI có thể hỗ trợ thống kê, phân tích số liệu khách du lịch, giúp công việc nhanh và chính xác hơn”.
Bên cạnh đó, thầy Trần Quang Huy- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân, cũng cho biết, sau khi hoàn thành lớp của Sở KH-CN, sẽ tham gia khóa học trực tuyến do Bộ GD-ĐT tổ chức với nội dung tích hợp AI vào giảng dạy, xây dựng bài kiểm tra, đánh giá, thiết kế sản phẩm học tập sáng tạo, từ đó đổi mới phương pháp dạy học, tăng sự hứng thú cho học sinh.
Theo các chuyên gia, khi sử dụng AI cần lưu ý: Bảo mật thông tin, không nhập thông tin mật của công ty vào AI; luôn tắt hoặc xóa lịch sử trò chuyện khi cần. AI không hoàn toàn chính xác; cần kiểm tra lại các dữ liệu, câu trả lời trước khi sử dụng do đó cần kiểm chứng thông tin. Nên dùng AI để hỗ trợ ý tưởng, phác thảo nội dung; vẫn cần chỉnh sửa, sáng tạo theo phong cách cá nhân, không nên phụ thuộc vào AI. AI chỉ là công cụ hỗ trợ. |
Nhu cầu đào tạo chuyên sâu còn thể hiện rõ trong lĩnh vực khác. Để bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong tòa soạn hiện đại, hồi đầu tháng 6, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) đã mở lớp “Ứng dụng AI cho nhà báo”, với sự tham dự của hơn 300 nhà báo cả nước, trong đó có đội ngũ người làm báo tỉnh Vĩnh Long. Học viên được hướng dẫn kỹ năng viết prompt, trực quan hóa dữ liệu bằng AI, xử lý nội dung đa phương tiện…
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin