Khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên: Từ ý tưởng sáng tạo đến dấn thân

05:21, 27/07/2025

Từ sân trường phổ thông đến giảng đường ĐH, tinh thần khởi nghiệp đang dần trở thành “ngọn lửa âm ỉ” trong giới trẻ Vĩnh Long. Dưới sự định hướng của chính sách quốc gia và nỗ lực địa phương, nhiều hoạt động trải nghiệm, dự án học đường và mô hình ươm tạo đã giúp học sinh- sinh viên hình thành tư duy làm chủ, mạnh dạn sáng tạo và dấn thân khởi nghiệp.

Lấy người học làm trung tâm, giúp học sinh tự tin tham gia các cuộc thi khoa học, kỹ thuật.
Lấy người học làm trung tâm, giúp học sinh tự tin tham gia các cuộc thi khoa học, kỹ thuật.

Từ trường học đến cộng đồng

Hưởng ứng Đề án 1665 của Chính phủ, nhiều cơ sở giáo dục tại Vĩnh Long đã tích hợp nội dung khởi nghiệp vào chương trình học, tổ chức tọa đàm, cuộc thi, dự án trải nghiệm nhằm khơi dậy năng lực sáng tạo của người học.

“Kỹ năng khởi nghiệp đang dần trở thành hành trang thiết yếu cho thế hệ học sinh- sinh viên. Đó không chỉ là tạo ra sản phẩm, mà là tạo ra giá trị”- TS Lê Hoài Bão, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây chia sẻ tại hội thảo khởi nghiệp học đường tháng 6/2025.

Tại Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, hệ sinh thái khởi nghiệp được hình thành qua mô hình CLB nghiên cứu- khởi nghiệp, vườn ươm ý tưởng và liên kết với doanh nghiệp, cựu sinh viên. Sinh viên bước đầu hình thành tư duy độc lập, dám nghĩ- dám làm.

Không chỉ dừng ở bậc ĐH, khởi nghiệp đang lan tỏa về các trường phổ thông. Trường THCS Hiếu Phụng là điểm sáng khi xây dựng được môi trường sáng tạo bền bỉ. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thế Anh, đầu mỗi năm học trường phát động phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo và khuyến khích học sinh trình bày ý tưởng trong tiết sinh hoạt đầu tuần, vừa rèn kỹ năng thuyết trình, vừa khơi gợi đam mê sáng tạo.

Học đi đôi với hành, giúp học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng, tự tin nghiên cứu sáng tạo.
 
Học đi đôi với hành, giúp học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng, tự tin nghiên cứu sáng tạo.  

Từ đó, năm 2023, học sinh Nguyễn Thị Như An và Nguyễn Ngọc Ngân đã đạt giải Ba Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh- sinh viên toàn quốc với dự án “Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa”, đồng thời lọt vào chung kết cuộc thi lập trình quốc tế do Quỹ Dariu tổ chức.

Một số dự án tiêu biểu khác như: “Hệ thống nhận diện, phân loại và xử lý rác thông minh” của học sinh Âu Bảo Trọng và Võ Nguyễn Phương Nguyên; “Sữa khoai lang YamDream” của học sinh Trường THPT Bình Minh- đều xuất phát từ thực tế địa phương, giải quyết bài toán môi trường, nông sản, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng.

Nhiều học sinh còn tiếp cận khởi nghiệp qua các vấn đề xã hội: “Đổi rác lấy cây xanh”, “Nhà thu gom chai nhựa”- giúp học sinh rèn kỹ năng lập kế hoạch, truyền thông, tài chính- những yếu tố quan trọng trong hành trình khởi nghiệp.

Nhà trường, người thầy- nền tảng đổi mới

TS Phạm Thị Thu Hồng- Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Trường ĐH Cửu Long cho rằng, đổi mới tư duy và phát huy nội lực là hai trụ cột để khởi nghiệp trong giáo dục ĐH phát triển bền vững. Giai đoạn 2020-2024, cả nước có gần 34.000 dự án sinh viên khởi nghiệp, khoảng 300 doanh nghiệp được ươm tạo từ ĐH, 12 doanh nghiệp gọi vốn thành công.

Tuy nhiên, nhiều trường vẫn gặp khó khăn như giảng viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn, sinh viên thiếu môi trường thử nghiệm, thiếu vốn và cơ chế hỗ trợ sau cuộc thi. Vì vậy, ngoài chính sách, cần đội ngũ giảng viên có khả năng truyền cảm hứng thực sự, là người đồng hành của sinh viên trên hành trình khởi nghiệp.

Từ mỗi dự án, học sinh- sinh viên được rèn tư duy phản biện, kỹ năng mềm, khả năng thích nghi- những phẩm chất thiết yếu của thế kỷ XXI.

Phía sau thành công là sự tận tụy của giáo viên. Thầy Nguyễn Thế Anh chia sẻ: “Hai cô giáo hướng dẫn rất nhiều, có khi đến tận tối. Nếu không có những đêm thức đến 21-22 giờ cùng học trò và sự ủng hộ của phụ huynh, sẽ không có kết quả hôm nay”.

Cô Nguyễn Ngọc Thi- giáo viên Tin học, người trực tiếp hướng dẫn nhóm học sinh- cho biết: “Thấy các em có ý tưởng là chúng tôi hỗ trợ hết mình. Trong quá trình đó, chính chúng tôi cũng học hỏi thêm từ học trò- các em có suy nghĩ rất mới và thông minh”. Cùng với cô Nguyễn Lan Anh, các thầy cô đã “tiếp lửa” sáng tạo bằng tình yêu nghề và tinh thần sẻ chia.

Những năm qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp tổ chức tập huấn, cuộc thi, chương trình trải nghiệm tại doanh nghiệp; nhiều trường phổ thông thành lập CLB khởi nghiệp, tích hợp nội dung vào các tiết học và hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, sở đánh giá công tác hỗ trợ sau cuộc thi còn hạn chế, giáo viên phổ thông thiếu kỹ năng khởi nghiệp, học sinh ít được tiếp xúc thực tế. Do đó, sở đã kiến nghị Bộ GD-ĐT ban hành tài liệu chuẩn, tăng cường tập huấn và hỗ trợ kinh phí để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp học đường.

Điểm sáng khởi nghiệp giai đoạn 2019-2024, Vĩnh Long ghi nhận 68 dự án khởi nghiệp được triển khai trong học sinh- sinh viên. Một số trường như THPT Bình Minh, THPT Hoàng Thái Hiếu, THCS- THPT Đông Thành đã thành lập CLB khởi nghiệp. Năm 2024, dự án của học sinh Trường THPT Bình Minh vào chung kết và đạt giải cấp tỉnh. Ở bậc ĐH, hệ sinh thái khởi nghiệp đang định hình qua vườn ươm, CLB sinh viên, mạng lưới giảng viên- cựu sinh viên cố vấn. Các trường cũng tích cực lồng ghép nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh