“Bình dân học vụ số”- lan tỏa vào đời sống

13:44, 18/07/2025

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế hiện đại, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng. Theo đó, ngoài các đội hình hỗ trợ chương trình “Bình dân học vụ số”, mỗi người dân cũng tự giác học tập chuyển đổi số để trở thành “công dân số, nhân lực số” trong thời đại số. 

Tuổi trẻ tình nguyện góp sức cải cách hành chính và chuyển đổi số quốc gia.
Tuổi trẻ tình nguyện góp sức cải cách hành chính và chuyển đổi số quốc gia.

Đội hình hỗ trợ “Bình dân học vụ số”

Hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam triển khai, các cấp bộ đoàn, hội trong tỉnh đã thành lập hàng trăm đội hình “Bình dân học vụ số”, với sự tham gia của đông đảo tình nguyện viên có trình độ, kỹ năng công nghệ, tinh thần trách nhiệm và khả năng truyền đạt tốt. 

Xã Đoàn Phú Quới phối hợp Đoàn Trường ĐH Cửu Long vừa ra mắt đội hình “Bình dân học vụ số”. Theo anh Nguyễn Hửu Danh- Bí thư Xã Đoàn Phú Quới, đội hình hỗ trợ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Phú Quới. Qua hơn 1 tuần đội hình ra quân, các bạn trẻ đã hỗ trợ khoảng 1.000 lượt người dân. 

Tham gia đội hình và trực tiếp hướng dẫn người dân tích hợp thông tin, giấy tờ lên ứng dụng VNeID, cài đặt ipay ngân hàng, bạn Nguyễn Hữu Hạnh Duyên- sinh viên năm 4, ngành Dược học Trường ĐH Cửu Long phấn khởi nói: “Thanh niên trong thời đại số, em cảm thấy rất vui khi mang những kiến thức, kinh nghiệm chia sẻ, giúp cho người dân tiếp cận và biết ứng dụng cơ bản về công nghệ thông tin, kỹ năng số thiết yếu”. 

Để phong trào lan tỏa rộng rãi và đi vào thực chất, tại Đoàn Phường Long Châu, các bạn trẻ tham gia đội hình “Bình dân học vụ số” tích cực tuyên truyền về chuyển đổi số; hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng số khác phục vụ cho cuộc sống sản xuất, kinh doanh,...

Chị Nguyễn Thị Diệu Phước- Bí thư Đoàn Phường Long Châu cho biết: “Thông qua hoạt động của đội hình, tuổi trẻ phường mong muốn giúp người dân nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số. Các thành viên trực tiếp hướng dẫn người dân các kỹ năng như: sử dụng điện thoại thông minh, máy tính, mạng xã hội, dịch vụ công trực tuyến và các phương thức thanh toán online”. 

Được các bạn trẻ chia sẻ kinh nghiệm và thanh toán không dùng tiền mặt, chị Phạm Ngọc Yến (phường Long Châu) cho hay: “Những thông tin mà các em thanh niên hướng dẫn thật bổ ích, giúp tui thấy được lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ cần điện thoại thông minh là có thể thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi và nhanh chóng”.

Phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Qua đó, giúp người dân tiếp cận và tận dụng công nghệ trong cuộc sống, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên trong kỷ nguyên số của đất nước. 

Tại Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, các đội hình “Bình dân học vụ số” thành lập với sự tham gia của gần 100 đoàn viên, sinh viên. Anh Trần Văn Diễn- Phó Bí thư Đoàn Trường cho biết: Đội hình với các bạn trẻ có kiến thức tốt về công nghệ làm lực lượng nòng cốt. Các bạn sẽ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và đoàn viên, thanh niên về “Bình dân học vụ số”; hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và đáng chú ý là hướng dẫn bảo mật thông tin, tránh bị lừa đảo trực tuyến, nhận diện và phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số…

Với lợi thế năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, tin tưởng rằng những phần việc thiết thực gắn với phong trào “Bình dân học vụ số” trong đoàn viên, thanh niên sẽ nhanh chóng thúc đẩy, nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần tích cực trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Để chuyển đổi số lan tỏa vào đời sống 

Hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số” vừa để tuyên truyền, khuyến khích mỗi người tự học hỏi để tự chuyển đổi, phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhu cầu đời sống. Theo bà Quan Thị Thùy Linh- Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan, thời gian qua, nhà trường từng bước triển khai các nội dung chuyển đổi số, cụ thể như số hóa hồ sơ, quản lý điều hành.

Đội hình “Bình dân học vụ số” hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính tại phường Long Châu.
Đội hình “Bình dân học vụ số” hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính tại phường Long Châu.

Cùng với áp dụng các phần mềm quản lý cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ, học sinh, lập kế hoạch giảng dạy, theo dõi sức khỏe, sự phát triển của trẻ, nhà trường quan tâm bồi dưỡng thường xuyên kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ, giáo viên để dần nâng cao chuẩn nghề nghiệp. Tăng cường truyền thông và kết nối với phụ huynh qua các nền tảng số để gửi thông tin, hình ảnh hoạt động, thông báo, công khai thực đơn... đến phụ huynh một cách nhanh chóng, minh bạch.

“Tổ chức các hoạt động dạy, học linh hoạt, đặc biệt nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng các hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ mầm non. Qua đó, giới thiệu, hướng dẫn cha mẹ tổ chức các trò chơi giáo dục tại nhà, chia sẻ các video clip rèn luyện kỹ năng, dạy trẻ hát, kể chuyện trẻ nghe… nhằm tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và gia đình trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ”- bà Thùy Linh chia sẻ.

Với tinh thần mỗi người tự học, tự chuyển đổi để phục vụ công việc, giáo viên mầm non Tô Thị Mỹ Tiên cho biết, ngoài tham gia các chương trình đào tạo chuyển đổi số, tập huấn kiến thức về công nghệ, trong quá trình công tác giảng dạy, tôi còn tự học tập, nghiên cứu để thực hành các tác vụ chuyển đổi số như làm hoạt hình chuyển thể từ sách giáo khoa, sử dụng phần mềm viết nhạc cho thiếu nhi, Roboki- Chatbot AI giáo dục…

“Trong thời đại ngày nay, nhu cầu công việc ngày càng cao nên việc chuyển đổi số không chỉ giúp công việc được nhanh, hiệu quả hơn mà còn giúp mỗi người lựa chọn cho mình các mô hình chuyển đổi số phù hợp. Tôi rất thích làm các đoạn phim hoạt hình ngắn có sử dụng công nghệ để góp phần cho việc giảng dạy được tốt hơn”- cô Tiên nói.

Trong khi đó, với hoạt động kinh doanh tự do, để dịch vụ thêm cuốn hút khách hàng, chị Nguyễn Ngọc Duyên (ở phường Long Châu) hàng ngày vẫn sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ảnh, tạo lời giới thiệu hoặc các đoạn clip ngắn để giới thiệu về công việc của mình.

Ban đầu không quan tâm nhiều đến các phần mềm này nhưng thông qua những người bạn, chị bắt đầu học tập và nhận thấy việc ứng dụng AI vào đời sống và công việc “cho ra kết quả ngoài sức mong đợi. Thay vì mất thời gian tạo lời quảng cáo cho dịch vụ, tôi chỉ cần ra lệnh cho AI. Điều cần làm là mình chỉnh sửa cho phù hợp công việc thực tế. Ngoài ra, AI còn hỗ trợ tạo hình ảnh để minh họa, hay tạo clip để quảng cáo…”- chị Duyên cho biết.

Hiện nay, “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào học tập lan tỏa mạnh mẽ trong các đơn vị, cơ quan và đời sống xã hội. Ở mỗi góc độ khác nhau sẽ có những mô hình chuyển đổi số khác nhau. Bên cạnh hỗ trợ từ các đội hình đoàn hội, mỗi người cũng có thể lựa chọn cách tự học tập, cập nhật chuyển đổi số nhằm góp phần phục vụ công việc, nghề nghiệp ngày càng hiệu quả hơn. 

Bài, ảnh: CẨM HUỆ- KHÁNH DUY


 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh