Bước tiến trong công nghệ robot "lai sinh học"

12:44, 17/02/2025

Một nhóm nghiên cứu từ ĐH Tokyo và ĐH Waseda vừa phát triển thành công bàn tay robot "lai sinh học", bao gồm các bộ phận được làm từ mô người được nuôi cấy.

Bàn tay robot “lai sinh học” gồm các bộ phận được làm từ mô người nuôi cấy.Ảnh: ĐH Tokyo
Bàn tay robot “lai sinh học” gồm các bộ phận được làm từ mô người nuôi cấy.Ảnh: ĐH Tokyo


Theo tờ The Japan Times, bàn tay robot này dài 18 cm, lòng bàn tay có kích thước gần bằng bàn tay trẻ sơ sinh và 5 ngón tay có khả năng cử động độc lập. Nhóm nghiên cứu sử dụng mô cơ để mô phỏng các cử động chính xác của bàn tay con người.


Giới chuyên gia đánh giá đây là bước tiến quan trọng hướng tới việc phát triển các robot tiên tiến có thể thay thế không chỉ những bộ phận giả cho người khuyết tật mà còn cả tay và chân người. Họ đồng thời khẳng định robot "lai sinh học" có thị trường tiềm năng lớn do khả năng mô phỏng chặt chẽ chức năng cơ thể người.


"Mục tiêu chính của robot "lai sinh học" là mô phỏng các hệ thống sinh học. Thành tựu của chúng tôi là một cột mốc quan trọng để đạt được điều này" - ông Shoji Takeuchi, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Trường ĐH Tokyo, nhìn nhận.


Theo chuyên gia này, lĩnh vực robot "lai sinh học" vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, với nhiều thách thức cơ bản cần vượt qua. 


Khi vượt qua được những rào cản này, công nghệ có thể được sử dụng trong các bộ phận giả tiên tiến. Chúng cũng có thể đóng vai trò là công cụ để hiểu rõ hơn về cách hoạt động của mô cơ trong hệ sinh học, thử nghiệm quy trình phẫu thuật hoặc thuốc liên quan đến mô cơ.


Trong thập kỷ qua, nỗ lực chế tạo robot sử dụng cơ bắp con người hoặc động vật đã được lan rộng trên toàn thế giới. Theo tạp chí Science, kể từ khi khái niệm "robot lai sinh học" lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2012, độ tinh vi của máy móc đã được cải thiện đáng kể.


Hôm 13-2 vừa qua, các nhà nghiên cứu từ Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết đã phát triển một bàn tay robot có khả năng thực hiện nhiều chuyển động khác nhau. 


Bàn tay nhân tạo này chỉ nặng 0,37 kg, đủ khéo léo để thực hiện công việc hằng ngày như tạo kiểu tóc, viết, bắt tay, trao đổi danh thiếp và chơi cờ vua. Nhóm nghiên cứu cho biết nó còn có thể thực hiện ngôn ngữ ký hiệu phức tạp bằng kéo hoặc điện thoại thông minh. 


Theo Cao Lực/NLĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh