Phụ nữ “hòa nhịp” cùng chuyển đổi số

22:05, 17/01/2025
Công nghệ thông tin mang đến nhiều tiện ích cho phụ nữ trong công việc và trong cuộc sống. 
Công nghệ thông tin mang đến nhiều tiện ích cho phụ nữ trong công việc và trong cuộc sống. 

Thời gian qua, các cấp hội LHPN cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hỗ trợ hội viên, phụ nữ (PN) tham gia quá trình chuyển đổi số (CĐS). Xác định khâu đột phá là “Đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng CNTT”, các cấp hội LHPN tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ PN tiếp cận và ứng dụng hiệu quả những tiện ích của CĐS. 


Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội


Thực hiện khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng CNTT” nhiệm kỳ 2022-2027 của Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đến 100% hội các cấp. Đồng thời ký kết chương trình phối hợp với Sở Thông tin-TT về tổ chức các hoạt động thúc đẩy CĐS đến năm 2025.


Theo đó, trong năm 2024, Hội LHPN tỉnh tổ chức 15 lớp tập huấn về ứng dụng CNTT và công tác CĐS cho cán bộ hội; phối hợp tổ chức tuyên truyền về chương trình CĐS quốc gia, dịch vụ công trực tuyến cho PN trong tỉnh với gần 35.000 lượt người tham gia; cấp phát 2.500 tài liệu tuyên truyền CĐS tỉnh Vĩnh Long; đề xuất với cấp ủy về chính sách trang bị máy vi tính cho 100% cơ sở hội.

Đến nay, 100% cơ sở hội được trang bị máy tính có kết nối mạng; gần 100% chi hội sử dụng mạng xã hội trong các hoạt động; thành lập 12 mô hình ứng dụng CNTT và CĐS có trên 200 thành viên tham gia, duy trì 6 mô hình “Hỗ trợ PN hội nhập an toàn trên không gian mạng” với 200 thành viên.


Đồng thời, các cấp hội thành lập các fanpage, nhóm Zalo, Facebook… để kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các hoạt động hội và phong trào PN tại địa phương đến với các tầng lớp PN. Hiện, có gần 1.000 nhóm Zalo, Facebook, fanpage và trang Thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh đang hoạt động; sinh hoạt trực tuyến thông qua Google meet, Zoom và livestream qua fanpage, YouTube để chỉ đạo, thông tin điều hành công tác hội nhanh chóng, kịp thời.


Chủ tịch Hội LHPN TX Bình Minh- Huỳnh Thị Thanh Thùy Linh cho biết, hội thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, PN về ứng dụng CNTT, nhằm cung cấp thông tin rộng rãi tới cán bộ, hội viên, PN về sự cần thiết, tầm quan trọng việc ứng dụng CNTT, CĐS trong đời sống kinh tế, xã hội hiện nay. Đặc biệt, Hội LHPN phát động cuộc thi xây dựng sản phẩm clip tuyên truyền phong trào thi đua “Xây dựng người PN Việt Nam thời đại mới” và được đăng tải trên trang fanpage của hội, đã góp phần tuyên truyền lan rộng phong trào thi đua một cách hiệu quả đến từng hội viên, PN.


Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, các hoạt động của hội đang từng bước được đổi mới về nội dung và phương thức truyền tải để phù hợp thời đại công nghệ số. Hội viên, PN được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về sử dụng mạng xã hội, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, cung cấp cho chị em kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt trên các kênh đa phương tiện và các nền tảng mạng…

Qua đó, PN đã có điều kiện, cơ chế thuận lợi, ngày càng tự tin tham gia sâu rộng vào quá trình CĐS, ứng dụng CNTT, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động hội cũng như trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Ứng dụng trong đời sống xã hội


Nền kinh tế số giúp PN được tiếp cận thị trường một cách thuận lợi, nhanh chóng, rất nhiều chị em đã phát triển kinh doanh, cải thiện thu nhập thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng CNTT vào sản xuất, kinh doanh. Trước đây, chị em chỉ triển khai bằng những phương pháp truyền thống, hiện tại, khi ứng dụng CNTT, đã có thể triển khai công việc một cách dễ dàng, lan tỏa rộng khắp.

Trong lao động sản xuất, ứng dụng CNTT và khoa học kỹ thuật hiện đại giúp đạt hiệu quả cao hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian. Đặc biệt, phong trào hỗ trợ PN khởi nghiệp ngày càng lan tỏa sâu rộng. Được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp hội LHPN trong tỉnh, hội viên PN đã mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tiếp cận với công nghệ hiện đại, hòa nhịp kịp thời cùng CĐS trong phát triển kinh tế.

Các mô hình khởi nghiệp đa dạng, phong phú của PN hiện nay hầu như đều được giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm đầu ra, kết nối thị trường, trao đổi mua bán sản phẩm được thực hiện trên các trang cá nhân Zalo, Facebook của các chị và kết nối với các fanpage của hệ thống hội. Ngoài ra, PN tiếp cận được nhiều việc làm online và giới thiệu được các mô hình làm dịch vụ giúp việc trong đời sống xã hội.


Chị Ánh Tuyết (Phường 9, TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Tôi bán hàng handmade kiếm thêm thu nhập và chủ yếu là bán hàng online. Sau những lần tham gia tập huấn, tôi rành hơn về các thao tác tạo trang bán hàng, giới thiệu, chụp ảnh đẹp để quảng bá sản phẩm. Tất cả hoạt động mua bán sản phẩm đều thực hiện online, khách hàng mở rộng ra thị trường trong cả nước rất thuận tiện và nhanh chóng”. 


Bên cạnh, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được tuyên truyền thuận tiện tạo sức lan tỏa sâu rộng trong hệ thống hội và các tầng lớp PN trong tỉnh. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm cũng được đẩy mạnh, đồng thời các cấp hội tăng cường phối hợp với BHXH tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID- BHXH số cho người tham gia BHXH, BHYT, các dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH, góp phần thực hiện cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT.


Cô Trương Thị Súng (phường Tân Hội, TP Vĩnh Long) cho biết: “Khi tham dự buổi truyền thông về chính sách bảo hiểm, tôi đã được hướng dẫn trực tiếp cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID, theo dõi sổ BHYT trên điện thoại rất tiện lợi”.


Bà Lý Thị Kiệp- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chia sẻ, các buổi truyền thông, các hình thức tuyên truyền về chính sách bảo hiểm và tiếp cận CĐS thời gian qua đã mang đến hiệu quả tích cực. Hội viên, PN nâng cao nhận thức và hành động thực tế, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện và BHYT ngày càng tăng.

Ngoài ra, điển hình như việc hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”, để duy trì và phát huy giá trị chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam, các cấp hội đã tổ chức phát động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên PN mặc áo dài đi làm, tham gia các sự kiện, chụp ảnh tại các điểm di tích và đăng trên Zalo, Facebook, fanpage của các cơ sở hội; qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa một cách mạnh mẽ, chị em nhiệt tình hưởng ứng sôi nổi hơn các năm trước. 

Hội viên phụ nữ trao đổi, hướng dẫn nhau tiếp cận BHXH số và cài đặt VssID.
Hội viên phụ nữ trao đổi, hướng dẫn nhau tiếp cận BHXH số và cài đặt VssID.


Chị Trần Thị Mỹ Tiên- Chủ tịch Hội LHPN huyện Long Hồ, cho biết, để thực hiện tiêu chí xây dựng người PN có tri thức, hội nhập với nhịp sống số, các cấp hội LHPN huyện chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về ứng dụng và sử dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số, phục vụ nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày cho PN, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, sản xuất, kinh doanh và chất lượng cuộc sống.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, CĐS là xu thế tất yếu trên toàn thế giới, là yêu cầu cấp thiết, khách quan đối với sự phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với việc PN chiếm một nửa dân số, phân nửa lực lượng lao động, CĐS sẽ chỉ thực sự thành công khi PN tích cực tham gia vào tất cả các trụ cột của CĐS là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời họ cần được thụ hưởng lợi ích do CĐS mang lại.

Bài, ảnh: HẢI YẾN 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh