Tim ghép tạng có thể lưu giữ ký ức cũ

09:49, 22/12/2024

 

Trái tim cũng có lưu giữ ký ức của chủ nhân.
Trái tim cũng có lưu giữ ký ức của chủ nhân.

Một số bệnh nhân ghép tim cho biết trái tim mới của họ có trí nhớ của người hiến tặng.
Trí nhớ không chỉ nằm trong bộ não- đó là khám phá khoa học mới được công bố. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận thêm các trường hợp tương tự như vậy.


Một số người được ghép tim cho biết họ thừa hưởng những cảm xúc, mùi vị và thậm chí cả những ký ức mà trước đây họ chưa từng biết.


Những trải nghiệm này, từ cảm giác thèm ăn những món họ chưa bao giờ thích đến đặc điểm tính cách bị thay đổi hay có những nỗi ám ảnh, đôi khi rất đúng với sở thích và đặc điểm của người hiến tặng. Điều này làm dấy lên tranh luận về việc liệu nội tạng có thể mang theo ký ức hay không.


Một biên đạo múa, sau khi được ghép tim mới, cảm thấy rất thèm ăn món gà viên- món ăn mà người hiến tặng trái tim đó đã mang theo trong túi áo khoác trước khi ông qua đời.


Những câu chuyện như vậy, dù mới chỉ là thông tin chưa được khoa học kiểm chứng, đã thúc đẩy nghiên cứu về cơ chế tiềm ẩn đằng sau những thay đổi ở người nhận tạng.


Để lý giải hiện tượng này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số nhận định ban đầu. Khái niệm về tế bào hay “trí nhớ cơ thể” cho rằng các tế bào riêng lẻ có thể lưu trữ thông tin ngoài chức năng cơ bản của chúng. Nói cách khác là chúng có trí nhớ. Và vì thế các bộ phận bên trong cơ thể cũng có thể có trí nhớ.


Những thay đổi trong biểu hiện DNA mà không có sự sửa đổi trình tự cũng có vai trò nhất định, vì việc thu nạp một cơ quan nội tạng mới có thể phá vỡ môi trường tế bào hiện có của người nhận.


Ngoài ra, trường điện từ của tim- một mạng lưới các tế bào thần kinh trong tim- có thể giao tiếp với não theo những cách mà chúng ta vẫn chưa hiểu được. Mặc dù chưa có lời giải thích thuyết phục nào, nhưng vai trò của tim trong giao tiếp hai chiều với não củng cố thêm nhận định về khả năng này.


Các đường dẫn thần kinh, sinh hóa và sinh lý đều có thể góp phần vào quá trình kết nối tim- não, nhưng ảnh hưởng thể chất và tinh thần do phẫu thuật cấy ghép cùng với tác dụng của thuốc có thể tác động đến việc chuyển giao trí nhớ của mỗi cơ quan nội tạng.


Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu sâu hơn nhằm khẳng định chắc chắn những nhận định ban đầu này. Có thể các kết quả nghiên cứu sẽ định hình lại hiểu biết của chúng ta về cấy ghép tạng và trải nghiệm của những người được nhận tạng mới.


Những phát hiện như thế này ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi hơn về cơ thể chúng ta và những băn khoăn cho các nhà khoa học: còn bao nhiêu điều cần khám phá về cơ thể con người?
VY ANH (theo Dân trí)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh