UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học "PII- Định vị đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế- xã hội TP Cần Thơ và hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL".
Sản phẩm lúa gạo của Viện lúa ĐBSCL tham gia triển lãm bên hành lang hội thảo. |
UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “PII- Định vị đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế- xã hội TP Cần Thơ và hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học nhấn mạnh, bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII- Provincial Innovation Index) đã cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế- xã hội dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
TP Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh các hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất kinh doanh, phát huy thế mạnh của địa phương, tạo sức mạnh tổng thể để phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của toàn vùng.
Theo kết quả công bố PII năm 2023, Cần Thơ thuộc top 5 địa phương đạt chỉ số PII cao nhất cả nước, với điểm số 49,66.
“Hội thảo là dịp để thành phố tăng cường sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vùng ĐBSCL trong việc đánh giá thực trạng, tiềm năng để các địa phương xây dựng chính sách phát triển kinh tế- xã hội phù hợp dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo của từng địa phương”, ông Nguyễn Ngọc Hè- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào các giải pháp phát triển nguồn nhân lực KH-CN và đổi mới sáng tạo; sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo… Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế-
xã hội.
Theo Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực KH-CN và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng. Đây là nền tảng quan trọng giúp khu vực này nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, dù tầm quan trọng của nguồn nhân lực này đã được khẳng định, việc thu hút và phát triển vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân có thể xuất phát từ các yếu tố khách quan như điều kiện kinh tế- xã hội chưa thực sự phát triển đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện.
Một nguyên nhân quan trọng khác là do một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức và chưa tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực KH-CN và đổi mới sáng tạo. Điều này cần được thực hiện thông qua các chiến dịch truyền thông, hội thảo chuyên đề, cũng như các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý.
VY ANH (theo SGGPO)