Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, việc tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)- thành quả của cuộc cách mạng này vào cuộc sống đang trở nên cấp thiết và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi ngành, lĩnh vực.
(VLO) Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, việc tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)- thành quả của cuộc cách mạng này vào cuộc sống đang trở nên cấp thiết và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi ngành, lĩnh vực. Vĩnh Long cũng đã bắt đầu dự án ứng dụng AI phục vụ trong công tác quản lý và phát triển nhiều lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên. |
Trí tuệ nhân tạo và tiềm năng ứng dụng
Theo bà Đoàn Hồng Hạnh- Giám đốc Sở Thông tin-TT, công nghệ số là quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số, thông qua việc áp dụng các công nghệ số như AI, Big data, IoT, Cloud, blockchain,...
Trong đó, AI hay trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence- viết tắt là AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.
Cụ thể, AI giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,…
Ông Nguyễn Văn Giới- Phó Giám đốc Sở KH-CN, cho biết, từ nhu cầu thực tiễn phục vụ công tác quản lý, giám sát của UBND Phường 1 và hỗ trợ hoạt động chẩn đoán bệnh của BVĐK tỉnh Vĩnh Long bằng ứng dụng công nghệ AI, Sở KH-CN đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đề cương, tổ chức và cá nhân thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh.
Dự án “Xây dựng hệ thống giám sát giao thông và trật tự công cộng thông qua camera số sử dụng AI tại Phường 1, TP Vĩnh Long” do PGS.TS Thoại Nam- Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh chủ nhiệm.
Dự án đã tạo ra hệ thống giám sát giao thông và trật tự công cộng sử dụng công nghệ AI được đặt tên là VLTriS có một số tính năng như: nhận diện và phân loại đối tượng xuất hiện trong khung camera bao gồm người đi bộ, xe máy, xe hơi con, xe tải, xe bus, xe container và phương tiện khác; phát hiện đám đông; phát hiện tai nạn giao thông; phát hiện đám cháy ngoài trời; phát hiện ùn tắc giao thông; nhận diện bảng số xe; nhận diện đối tượng đi ngược chiều...
Đề tài đã được nghiệm thu và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận và giao trách nhiệm ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh cho UBND Phường 1, TP Vĩnh Long.
Bên cạnh đó, đề tài “Xây dựng hệ thống hỗ trợ chẩn đoán bệnh thông qua hình ảnh y khoa tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long” do TS Dương Ngọc Hiếu chủ nhiệm.
Đề tài đã tạo nên cổng dịch vụ hỗ trợ chẩn đoán bệnh qua hình ảnh y khoa: cung cấp bệnh án điện tử lên cổng dịch vụ; nhắc nhở người dùng thông qua điện thoại hoặc email để vào hỗ trợ đọc phim y khoa…
Phần mềm AI được tích hợp vào cổng dịch vụ có những tính năng cơ bản như xử lý và lưu trữ dữ liệu chẩn đoán bệnh bằng hình ảnh; hiệu suất chẩn đoán trên 80%, độ chính xác sẽ được đối chiếu với bác sĩ công tác tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long.
Cổng thông tin hiện thực bằng công nghệ web triển khai cho BVĐK tỉnh cũng đã tích hợp phân hệ hỗ trợ chẩn đoán xuất huyết não bằng AI.
Tận dụng những lợi ích của trí tuệ nhân tạo cho tương lai
Công nghệ hỗ trợ đắc lực cho công tác khám, chữa bệnh. |
Theo ông Nguyễn Văn Giới, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI vào phục vụ cho tiện ích của đời sống hàng ngày, góp phần tăng tốc các mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số trở thành một trong những trọng tâm được nhiều ngành, lĩnh vực quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu “Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới”.
Để triển khai và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Long, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 1425/QĐ-UBND ngày 14/7/2022 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu chung: “Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI nhằm đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của tỉnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Để triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết cần tập trung vào nội dung định hướng như: Triển khai, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến AI; xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng; thúc đẩy ứng dụng AI trong các ngành, lĩnh vực…
Đồng thời, xây dựng và phát triển hệ sinh thái AI với xây dựng và phát triển nguồn nhân lực: triển khai phổ cập kỹ năng cơ bản về ứng dụng AI và khoa học dữ liệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh.
Triển khai các hình thức đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn về AI cho sinh viên, người lao động.
Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu vận hành và điều hành sản phẩm AI phục vụ người dân.
Cùng với đó, thúc đẩy các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đầu tư nguồn lực cho các phòng thí nghiệm, các dự án nghiên cứu triển khai, ứng dụng AI, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực AI của tỉnh thông qua việc đào tạo hướng thực tế.
Khuyến khích các tập đoàn công nghệ, viện nghiên cứu trường ĐH đề xuất các giải pháp giải quyết các bài toán đặt ra của các sở, ban, ngành, địa phương tại tỉnh, thử nghiệm và ứng dụng AI để phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng,
an ninh…
Với sự định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, sự tập trung nguồn lực của các cấp, các ngành, địa phương, tương lai không xa sẽ có những sản phẩm mới ứng dụng AI để phục vụ cho cuộc sống của con người văn minh, hiện đại hơn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh tế- xã hội, tạo bước phát triển đột phá mới.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ