Nâng cao tiềm lực, vai trò của khoa học và công nghệ

07:05, 18/05/2024

Ngày KH-CN Việt Nam là dịp để tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH-CN, đồng thời nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ trí thức KH-CN trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, khơi dậy sự đam mê sáng tạo…

Đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Vĩnh Long kịp thời được chuyển giao, ứng dụng vào phát triển kinh tế- xã hội.
Đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Vĩnh Long kịp thời được chuyển giao, ứng dụng vào phát triển kinh tế- xã hội.
Trong dòng chảy 65 năm, các thành tựu về khoa học và công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã để lại những dấu ấn lịch sử trong nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu, trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.
 
Ngày KH-CN Việt Nam là dịp để tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH-CN, đồng thời nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ trí thức KH-CN trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, khơi dậy sự đam mê sáng tạo…
 
Khoa học phải xuất phát từ thực tiễn
 
Tại buổi lễ chào mừng ngày KH-CN Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, ngày KH-CN Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH-CN (1959-2024) và trao Giải thưởng khoa học mang tên cố GS Tạ Quang Bửu- một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam.
 
Cách đây 61 năm, ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự Đại hội đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Người căn dặn “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...
 
Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong Nhân dân lao động, để Nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...”. Lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động KH-CN nước nhà trong suốt hơn 60 năm qua. 
 
Thủ tướng ghi nhận sự hiện diện của KH-CN tại các công trình lớn của quốc gia như thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La hay Lai Châu... “đều là nhờ các nhà khoa học dám dấn thân thực hiện cùng sự đóng góp của nhiều người”.
 
Tài năng khoa học và công nghệ được bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy sáng tạo từ thế hệ trẻ.
Tài năng khoa học và công nghệ được bồi dưỡng, tạo điều kiện phát huy sáng tạo từ thế hệ trẻ.
Vừa qua, cầu Mỹ Thuận 2 do Việt Nam hoàn thành từ khâu thực hiện, giám sát và có được cây cầu to, đẹp, rẻ và tiết kiệm thời gian hơn. Tất cả đều nhờ khoa học giúp Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu. Theo Thủ tướng, sự quyết tâm của các nhà khoa học, sự quản lý của các lãnh đạo giúp “biến cái không thể thành có thể”, “biến khó thành dễ”.
 
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, cho biết, trong gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động KH-CN cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
 
Ngày 18/5 hàng năm là ngày KH-CN Việt Nam. Sau hơn 10 năm tổ chức, dịp này đã trở thành ngày hội của lực lượng KH-CN và ĐMST của cả nước.
 
Vĩnh Long nỗ lực đóng góp vào sự phát triển chung
 
Theo ông Nguyễn Văn Tùng- Giám đốc Sở KH-CN, thời gian qua, nhận thức của các cấp, các ngành đối với vai trò, động lực của KH-CN tại Vĩnh Long có chuyển biến tích cực. Cơ chế, chính sách về KH-CN từng bước được rà soát, bổ sung, xây dựng mới và được cụ thể hóa để thực hiện tại địa phương, đẩy mạnh khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đầu tư và thực hiện nhiệm vụ KH-CN. 
 
Đặc biệt, tập trung triển khai các chương trình, đề tài, dự án, các mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN, gắn với các chương trình, kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, quản lý đề tài/dự án, hoạt động thông tin KH-CN,… từng bước được ổn định và phát triển.
 
Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng; đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; đề án phát triển KH-CN; đề án phát triển công nghệ sinh học; các mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN,... đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.
 
Ông Thái Văn Tào- Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật cho biết thêm, kể từ năm 2008 đến nay, yêu cầu xây dựng đội ngũ trí thức và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đã được Đảng bộ tỉnh đưa vào nội dung nhiệm vụ và tổ chức thực hiện ở địa phương.
 
Sau gần 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Tỉnh ủy, Vĩnh Long đã đào tạo 8.060 cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ ĐH và trên ĐH.
 
Tính đến thời điểm tháng 8/2022, toàn tỉnh có hơn 35.000 người có trình độ CĐ, ĐH và sau ĐH; trong đó có 4 phó giáo sư- tiến sĩ, 95 tiến sĩ và 1.462 thạc sĩ. Riêng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh, trong giai đoạn hiện nay, về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ. 
 
Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm, trong năm 2024, ngành KH-CN tiếp tục triển khai các nội dung trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KH-CN và ĐMST.
 
Khoa học và công nghệ được doanh nghiệp ứng dụng nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa.
Khoa học và công nghệ được doanh nghiệp ứng dụng nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa.
Phát huy hiệu quả công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân nắm bắt được cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH-CN và ĐMST. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp KH-CN, tổ chức KH-CN tiếp cận nguồn vốn ngân sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án về KH-CN và ĐMST. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN...
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, trở nên ngày càng khan hiếm, thì KH-CN, ĐMST là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất, những con người bình dị nhất, không phân biệt giới tính, màu da, trình độ, tuổi tác, tầng lớp trong xã hội. Thủ tướng mong rằng, tinh thần say mê nghiên cứu, dấn thân vì KH-CN của các thế hệ đi trước tiếp tục được lan tỏa, phát huy mạnh mẽ, tạo động lực, truyền cảm hứng trong thế hệ trẻ đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng; Nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
 
 
 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh