Việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển biến rõ rệt. Doanh nghiệp đã mạnh dạn thực hiện đổi mới sáng tạo, tăng cường sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất, kinh doanh.
(VLO) Việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển biến rõ rệt. Doanh nghiệp đã mạnh dạn thực hiện đổi mới sáng tạo, tăng cường sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất, kinh doanh.
Ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp tăng nhận diện thương hiệu, tiếp cận khách hàng tiềm năng. |
Chọn chuyển đổi số để bứt phá
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, kéo theo sự ra đời của nhiều mô hình kinh doanh mới khiến chuyển đổi số trở thành yêu cầu mang tính chiến lược của nhiều doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, các doanh nghiệp trong tỉnh đã căn cứ vào nguồn lực thực tế, chủ động đầu tư cho nghiên cứu phát triển, xây dựng nền tảng công nghệ số, phát triển hệ sinh thái số cho cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh. Đồng thời, chủ động ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của doanh nghiệp.
Chị Lê Thị Bảo Trang- đại diện Hộ kinh doanh Rau câu Vinh Quang (Phường 8, TP Vĩnh Long), cho biết: “Tôi thấy nếu muốn tiếp tục tồn tại, bắt buộc phải chuyển đổi số.
Tôi bắt đầu đẩy mạnh bán hàng trên trang Facebook, Zalo... Giải pháp kinh doanh này giúp chúng tôi tăng nhận diện thương hiệu, tiếp cận khách hàng tiềm năng. Vậy nên, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm website, ứng dụng quét QR code trên sản phẩm để khách hàng tiếp cận thông tin dễ dàng hơn”.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, ngoài lợi ích trực tiếp trong hoạt động kinh doanh, tăng cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp, thì chuyển đổi số còn mang lại hiệu quả trong quản trị nhân sự, tài chính tại doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Lan Thanh- đại diện cửa hàng bánh kem Tuyết Nhung Chipas (Phường 1, TP Vĩnh Long), chia sẻ: “Chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian trong việc phân công, lập kế hoạch, dễ dàng kiểm tra, đánh giá kết quả.
Chuyển đổi số là một hành trình dài, doanh nghiệp phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, tự đánh giá được nguồn lực hiện có để vận dụng công nghệ phù hợp, hiệu quả, mà không quá sức”.
Nhiều doanh nghiệp bắt kịp xu thế bán hàng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số. |
Anh Nguyễn Hoàng Khang- người sáng lập Foodo- chuyên về sản xuất và chế biến sản phẩm từ trái cây nhiệt đới (Vũng Liêm), chia sẻ: “Tham gia chuyển đổi số, cơ sở đã sử dụng phần mềm quản lý bán hàng để nắm bắt ngay được kết quả hàng tồn, doanh thu và xuất hóa đơn.
Bên cạnh đó, thông qua sàn thương mại điện tử, cơ sở đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với các kênh phân phối hiện đại. Việc ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng mạng xã hội, xây dựng website bán hàng, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử giúp cơ sở “rộng cửa” để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường”.
Còn theo anh Trương Thái Thông- quản lý kinh doanh- Cơ sở Sản xuất Ba Khánh (TP Vĩnh Long), chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thay đổi công nghệ, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh, xanh và bền vững hơn.
Chuyển đổi số mặt khác giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua việc tạo ra các kênh phân phối mới, giảm chi phí lưu kho, vận chuyển. Đồng thời giúp doanh nghiệp sáng tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu khách hàng, hướng tới nền sản xuất xanh.
Lan tỏa tầm nhìn chuyển đổi số
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, chúng ta đang có những cơ hội lớn để thay đổi. Trong đó, chuyển mạnh theo các xu hướng mới: kinh tế số, kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm, liên kết kinh tế, kết nối xanh,... tạo nền tảng hướng tới một nền kinh tế sáng tạo, bền vững và thịnh vượng.
Chuyển đổi số là điều bắt buộc doanh nghiệp phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. |
Chuyển đổi số cho doanh nghiệp chính là cách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển của doanh nghiệp phù hợp với xu thế vận động mới, bối cảnh và tình hình mới.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng giúp tạo ra giá trị cho khách hàng, các doanh nghiệp công nghệ số thường cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, hiệu quả hơn, giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Chính việc tạo ra giá trị cho khách hàng là yếu tố quan trọng khiến cho chuyển đổi số trở nên hấp dẫn và cần thiết.
TS Lê Đỗ Duy Ân- giảng viên Trường Doanh nhân Top Olympia, cho biết: Trong thời buổi xã hội tiêu dùng được số hóa thì ngày càng có nhiều hình thức kinh doanh tận dụng hiệu quả của nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Vì vậy, doanh nghiệp “bắt buộc” phải thay đổi tư duy và sử dụng các nền tảng bán hàng trực tuyến như một công cụ hỗ trợ, góp phần nâng cao doanh số.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình thay đổi về phương thức làm việc, sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số, mang lại hiệu suất cao trong quản trị, điều hành sản xuất, tiết giảm chi phí, nhân lực, góp phần gia tăng lợi nhuận bền vững cho doanh nghiệp.
Mặc dù mỗi doanh nghiệp có những kế hoạch thực hiện chuyển đổi số khác nhau, nhưng nhìn chung, chuyển đổi số trong doanh nghiệp tập trung vào các khía cạnh cốt lỗi như: quản trị nhân sự, tài chính, dữ liệu; tăng cường kết nối, trải nghiệm của khách hàng; tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh.
Theo TS Trần Anh Quân- Trưởng Ban Chuyển đổi số của Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam, mỗi doanh nghiệp cần đánh giá tình hình thực tế, xác định nguồn lực để lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phù hợp, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là thao tác chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ lên không gian số, nó chỉ là bước ban đầu, mà quá trình chuyển đổi số sẽ lâu dài, cần nhiều nỗ lực, kiên trì của doanh nghiệp.
Chuyên gia công nghệ Giang Thiên Phú đánh giá: Chuyển đổi số phải đến từ chính nhu cầu của doanh nghiệp cần cạnh tranh và cần tồn tại trong thời đại số. Hiện tại, chuyển đổi số gần như là việc bắt buộc. Bởi, trong khi các doanh nghiệp khác có công cụ tốt, ứng dụng công nghệ thông tin tốt, hoạt động doanh nghiệp hoàn toàn bằng online, thì một số doanh nghiệp vẫn còn quản lý bằng giấy tờ, excel thì sẽ dần bị loại bỏ, bị bật ra khỏi thị trường kinh doanh. Đây là vấn đề sống còn. |
Bài, ảnh: TRÀ MY- THẢO TIÊN