Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

07:01, 24/01/2024

Cùng với cả nước, tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) trên các lĩnh vực. Xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm; tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển đồng bộ chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số để phục vụ Nhân dân.

 

 

Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cùng với cả nước, tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) trên các lĩnh vực. Xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm; tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển đồng bộ chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số để phục vụ Nhân dân.

Đẩy mạnh chính quyền số

CĐS được xác định dựa trên 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong quá trình thực hiện CĐS, tỉnh chú trọng xây dựng chính quyền số tập trung vào các nội dung ứng dụng, dịch vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và dịch vụ công trực tuyến, các hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ đó, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bà Đoàn Hồng Hạnh- Giám đốc Sở Thông tin-TT tỉnh, cho biết, năm 2023, sở đã tích cực xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản và triển khai công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ứng dụng công nghệ CĐS được đẩy mạnh, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi.

Cụ thể, có 1.138/1.670 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (đạt tỷ lệ 68,16%) và có 1.518/1.670 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 90,84%.

Hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng diện rộng từ tỉnh đến xã hoạt động ổn định thông suốt. Công tác bảo đảm an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh hoạt động an toàn, thông suốt.

Tiếp cận CĐS thông qua sử dụng các tiện ích công nghệ số trên điện thoại thông minh, chú Võ Quốc Thái (Phường 2, TP Vĩnh Long) đã hiểu hơn về lợi ích mà CĐS đem lại, đồng thời nâng cao trách nhiệm của bản thân trong tham gia vào quá trình CĐS.

“Vì có dãy nhà ở cho thuê nên tôi thường xuyên đăng ký tạm trú cho người ở thuê. Nhờ ứng dụng CĐS mà giờ đây tôi đã thực hiện được đăng ký tạm trú online cho người ở thuê trên cổng dịch vụ công quản lý cư trú, không cần phải ra trụ sở công an như trước đây nữa”- chú Thái vui vẻ nói.

Theo Sở Thông tin-TT, đến nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử đã triển khai đến 100% cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã; đã cấp chứng thư số cho 100% cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã…

Cải cách thủ tục hành chính gắn với CĐS, theo quyết định của UBND tỉnh về danh mục thủ tục hành chính cắt giảm thời gian giải quyết khi nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến so với hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, 57 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương giảm thời gian giải quyết từ 5,5-40%; 16 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở KH-CN giảm 20% thời gian giải quyết.

Phát triển kinh tế số, xã hội số

Theo đó, kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế, du lịch và dịch vụ với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt; góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.

Năm 2023, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực chợ Vĩnh Long; đã có hơn 240 tiểu thương đã đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money, kết nối được với 30 ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money.

Đồng thời, đã triển khai hóa đơn điện tử, eTax Mobile; 60% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; thanh toán không dùng tiền mặt cho các cơ sở giáo dục, y tế. Song song đó, 125 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, 78 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng nội địa. Trên 370 doanh nghiệp, HTX, cơ sở trong tỉnh với 1.700 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử.

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của CĐS, tỉnh đã triển khai thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đến 100% ấp, khóm với 107 tổ xã (687 người), 752 tổ ấp (2.786 người). Tổ công nghệ số cộng đồng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đưa kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp; đã trở thành lực lượng nòng cốt trong CĐS của tỉnh.

Tham gia lớp tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng về CĐS cho tổ công nghệ số cộng đồng năm 2023, chị Nguyễn Trúc Vy (xã Tân Phú, huyện Tam Bình) cho biết: “Thành viên tổ đã được tập huấn về hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt, chữ ký số cá nhân, dịch vụ hợp đồng điện tử, giải pháp truy xuất nguồn gốc…

Nhờ vậy nâng cao trách nhiệm của thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, giúp người dân trong tiếp cận CĐS và vận dụng có hiệu quả vào công việc, cuộc sống”.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trao bằng khen cho Sở Thông tin-TT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, tiêu biểu trong phong trào thi đua.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trao bằng khen cho Sở Thông tin-TT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, tiêu biểu trong phong trào thi đua.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lưu ý ngành thông tin-TT quan tâm, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong CĐS ở tất cả lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân dễ dàng tiếp cận với CĐS; chia sẻ kinh nghiệm, mô hình đã thực hiện hiệu quả; chú trọng tập huấn nâng cao năng lực hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng.

Song song đó, có giải pháp để triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn công tác CĐS trong cơ quan nhà nước, đặc biệt quan tâm đến hạ tầng số, kho dữ liệu dùng chung, đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Mặt khác, tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông để đáp ứng yêu cầu của xã hội, góp phần thúc đẩy CĐS hiệu quả, tập trung phát triển kinh tế số, nền tảng dùng chung để phục vụ người dân và doanh nghiệp, tăng dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy sàn giao dịch thương mại điện tử…

Kết quả xếp hạng đánh giá chuyển đổi số năm 2022 của tỉnh đứng thứ hạng 30/63 tỉnh, thành trên cả nước; tăng 2 bậc so với năm 2021. Đặc biệt, kết quả xếp hạng tiêu chí An toàn thông tin của tỉnh năm 2022 nằm trong top 10 so với cả nước.

Bài, ảnh: AN CHI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh