Xã Thuận An (TX Bình Minh) là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Trong đó, việc thực hiện tiêu chí chuyển đổi số (CĐS) được địa phương quyết liệt thực hiện. Qua đây, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động cộng đồng, góp phần đưa chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Việc ứng dụng hệ thống tưới phun tự động tạo thuận lợi cho người dân trong canh tác. |
Xã Thuận An (TX Bình Minh) là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Trong đó, việc thực hiện tiêu chí chuyển đổi số (CĐS) được địa phương quyết liệt thực hiện. Qua đây, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động cộng đồng, góp phần đưa chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Từ tưới tiết kiệm nước đến tưới phun tự động
Với 1,4 công ruộng, ông Nguyễn Văn Ru (ở ấp Thuận Tiến C) đã chuyển sang trồng rau diếp cá khoảng 8 năm nay. Bên cạnh, ông còn đầu tư 30 triệu đồng để làm hệ thống tưới phun cho toàn bộ diện tích trồng rau, giúp tiết kiệm nước tưới và sức lao động.
“Chỉ tốn tiền đầu tư một lần mà được rảnh rỗi, vì thời gian phun tưới nhanh, chỉ vài phút là xong. Nhờ vậy mà có thời gian để làm việc khác kiếm thêm thu nhập...”- ông Ru nói.
Đầu tư hơn nửa tỷ đồng để hoàn thiện khu vực trồng và hệ thống tưới phun cho 7 công cải xà lách xoong, ông Tư Xệ (ở ấp Thuận Thành) cho biết: “Hồi xưa còn tưới tay mỗi hộ chỉ chăm sóc giỏi lắm là nửa công. Nhờ đầu tư hệ thống tưới phun mà làm việc nhẹ nhàng hơn tưới thùng gấp 10 lần và có thể tưới cả chục công cải xà lách xoong vẫn khỏe ru”.
Ông Phạm Văn Tư- Bí thư kiêm Trưởng ấp Thuận Thành, cho biết, hiện 100% hộ dân trong ấp đã chuyển từ tưới bằng thùng sang hệ thống tưới phun. Trong đó, có 10 hộ ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng điện thoại thông minh với diện tích 3ha.
Cách làm này, đáp ứng được nhu cầu về nước, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế bệnh hại, tiết kiệm nước, công lao động, tăng lợi nhuận kinh tế. Đặc biệt là, nông dân có thể chủ động tưới tiêu, làm thêm được công việc khác.
Ấp Thuận Thành hiện có 310 người sử dụng phương thức thanh toán điện tử cho các dịch vụ như: thanh toán tiền điện, nước, internet, y tế… chiếm 50,8% người trong độ tuổi lao động.
Bên cạnh, người dân còn được tiếp cận các ứng dụng phục vụ CĐS của chính quyền. Về phía cán bộ ấp thì ứng dụng các nền tảng phục vụ CĐS của chính quyền như:
Cổng thông tin tiếp nhận, trả lời ý kiến người dân (https://congdan.vinhlong.gov.vn), ứng dụng Smart Vĩnh Long; kênh Zalo (chính quyền số Vĩnh Long…); kênh Facebook (CĐS tỉnh Vĩnh Long); trang thông tin điện tử xã; cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, báo cáo và thành lập nhóm Zalo hướng dẫn người dân tiếp cận các ứng dụng phục vụ CĐS.
Ấp Thuận Thành là một điển hình trong xây dựng mô hình ấp thông minh tại xã Thuận An. Những cách làm của cán bộ và người dân nơi đây đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện tiêu chí chuyển đổi trong xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Chung tay chuyển đổi số
Là một trong những bí thư kiêm trưởng ấp trẻ nhất tỉnh (sinh năm 1997) và cũng là tổ trưởng tổ Công nghệ số cộng đồng, ông Phạm Minh Cơ- Bí thư kiêm Trưởng ấp Thuận Tiến C, đang tích cực tuyên truyền người dân tham gia CĐS, hướng dẫn người dân cài đặt mã số định danh điện tử mức độ 2 và sử dụng ứng dụng ngân hàng để thanh toán không dùng tiền mặt...
“Việc CĐS rất thuận tiện cho người rành công nghệ. Chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính làm, rồi nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Chẳng hạn như khi làm hồ sơ xác nhận nơi cư trú, chỉ cần ngồi ở nhà làm và gửi online, rồi đến công an xã lấy kết quả, không phải mất thời gian đến viết tay để điền phiếu rồi chờ đợi như trước nữa”- ông Cơ nói.
Song, hiện vẫn còn một số người chưa am hiểu công nghệ, chỉ quen với cách làm truyền thống, không biết cách thao tác trên điện thoại thông minh, máy tính. Bên cạnh, cũng có người nghĩ rằng, mình làm nông, ở suốt trong ruộng thì cần gì phải biết về... CĐS.
Ông Nguyễn Văn Lượm- Công chức Tư pháp- Hộ tịch, phụ trách tiếp nhận hồ sơ một cửa xã Thuận An, cho biết, thuận lợi của xã là được cấp mới máy tính, máy in và máy scan. Về phía xã, luôn cập nhật thường xuyên các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên. “Khi nhận nhiệm vụ, bản thân tôi luôn quyết tâm và phấn đấu làm.
Về phía người dân, nhất là những người đi làm ăn xa ở ngoài tỉnh rất ủng hộ việc CĐS vì thuận tiện cho việc làm hồ sơ trực tuyến, đỡ mất thời gian đi lại. Khi tiếp nhận hồ sơ online, tôi luôn xử lý đảm bảo đúng theo quy trình, đúng hạn”- ông Nguyễn Văn Lượm cho biết.
“Tuy nhiên, phần mềm có khi chậm (có thể do đường truyền), phải mất thời gian chờ”- ông Nguyễn Văn Lượm cho hay và đề xuất: “Cần bố trí thêm máy tính, máy scan để thuận tiện trong việc hướng dẫn người dân nhập liệu trực tuyến”.
Ông Bùi Văn Hiếu- Chủ tịch UBND xã Thuận An, cho biết, Thuận An là một trong những xã đầu tiên của tỉnh xây dựng xã NTM kiểu mẫu nên bước đầu còn lúng túng trong việc thực hiện các yêu cầu của tiêu chí về CĐS. Song, với sự hỗ trợ của cấp trên cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đã giúp xã hoàn thành tốt việc CĐS.
Chuyển đổi số tạo thuận lợi cho cán bộ xã và người dân trong thực hiện thủ tục hành chính. |
Năm 2023, xã đã tiếp nhận 1.675 văn bản đến và gửi đi 205 văn bản, tất cả đều được xử lý trên môi trường mạng, đạt 100%. Có 1.160 hồ sơ lưu trữ được số hóa đạt 100%. Đồng thời, đã thành lập nhóm Zalo xã Thuận An và thường xuyên báo cáo liên quan đến việc chỉ đạo điều hành...
Ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, nhận định, việc CĐS trong xây dựng NTM kiểu mẫu đã được xã Thuận An thực hiện rất tốt, thông qua các mô hình tưới tiết kiệm, tưới tiên tiến, tưới thông minh kết hợp với các mô hình VietGAP.
Đồng thời, xã còn làm tốt việc CĐS trong giải quyết hành chính công cho người dân và trong công tác quản lý.
Hệ thống thông tin mạng nội bộ của xã Thuận An đã được thẩm định và có quyết định phê duyệt cấp độ an toàn thông tin theo quy định. 100% máy tính được cài phần mềm chống mã độc. Hiện, xã có 10 trạm trụ phát sóng thông tin di động ở 10 ấp được cung cấp dịch vụ của 3 nhà mạng (Mobifone, Vinafone, Viettel) và có 3 điểm cung cấp dịch vụ internet. Xã có hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông và kết nối với hệ thống thông tin nguồn của tỉnh. Theo đó, đã lắp đặt 20 điểm loa không dây/10 ấp và ứng dụng công nghệ thông tin. Hệ thống truyền thanh của xã có chuyên mục riêng về CĐS thực hiện. Bên cạnh, xã duy trì đăng tin tuyên truyền CĐS trên trang thông tin: https://thuanan.vinhlong.gov.vn. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI