Nguồn gien là tài sản quốc gia, là nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh. Tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực bảo tồn nguồn gien nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học và khai thác hiệu quả, bền vững trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội.
Dự án “Nấm nhà mình” của nhóm sinh viên Trường ĐH Cửu Long. |
Nguồn gien là tài sản quốc gia, là nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh. Tỉnh Vĩnh Long đang nỗ lực bảo tồn nguồn gien nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học và khai thác hiệu quả, bền vững trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội.
Cấp thiết bảo vệ nguồn gien bản địa
Theo Sở KH-CN, tỉnh Vĩnh Long có vị trí thuộc hạ lưu sông Mekong, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và ở trung tâm khu vực ĐBSCL, có đặc điểm địa hình, địa mạo đa dạng từ rìa phù sa cổ đến vùng phù sa ngọt và cửa sông, nhờ đó đã hình thành nên nhiều hệ sinh thái đặc trưng cho từng tiểu vùng với tính đa dạng sinh học cao, với nhiều nguồn gien động, thực vật quý, hiếm hoặc có giá trị cao, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong nhiều thập kỷ qua.
Tỉnh có hệ sinh thái tương đối đa dạng với hệ thực vật đã ghi nhận được 857 loài thực vật bậc cao, thuộc 136 họ, 5 ngành trong đó có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng như: bưởi năm roi, cam sành, thanh trà, sầu riêng ri 6... với 2 nguồn gien cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật là bưởi năm roi, thanh trà…
Hệ thú có 16 loài thú, trong đó có một số giống địa phương như: gà tre, gà ác, gà tàu, vịt cổ lùn... Hệ chim có 55 loài chim; hệ cá có 117 loài cá. Trong 117 loài cá đã được xác định ở tỉnh Vĩnh Long có 10 loài cá thuộc 5 họ, 4 bộ nằm trong sách Đỏ Việt Nam (2007) và danh mục Đỏ Thế giới (IUCN, 2015). Hệ nấm đã ghi nhận được 75 loài nấm lớn, trong đó có rất nhiều loài có giá trị kinh tế cũng như dược liệu như: nấm rơm, nấm rạ, nấm linh chi…
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã có các quy hoạch, chương trình, đề án, đề tài được triển khai, lồng ghép vào các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gien.
Qua đó, một số loài, nguồn gien đặc hữu, có giá trị kinh tế đã được quan tâm chú trọng bảo tồn và thực hiện phục hồi đạt được một số kết quả: về lĩnh vực giống cây trồng đã thực hiện được nhiệm vụ nghiên cứu giống lúa Long Hồ 8 (LH8) và cam xoàn, cam sành, bưởi năm roi, sầu riêng ri 6. Về lĩnh vực giống vật nuôi đã thực hiện được nhiệm vụ nghiên cứu gà nòi, đàn heo giống gốc. Về lĩnh vực giống thủy sản đã thực hiện được dự án cá bông lau…
Bà Đặng Nguyệt Minh- Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ, cho biết, trung tâm đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ bảo tồn gien nhằm lưu giữ các nguồn gien đặc hữu của địa phương, cũng như các nguồn gien nhập nội thích ứng phù hợp với Vĩnh Long và mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương.
Trung tâm với năng lực hiện có gồm phòng nuôi cấy mô, vi sinh, sinh học phân tử, hệ thống nhà lưới nhà màng, khu sản xuất meo và túi phôi nấm ăn và dược liệu đã thực hiện bảo tồn một số nguồn gien từ hoa lan và cây trồng, nấm ăn và dược liệu, chủng vi sinh phục vụ nông nghiệp.
Qua 5 năm (2016-2021), công tác bảo tồn gien của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ được thực hiện qua hình thức thực hiện các đề tài dự án và nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và đạt được một số kết quả như sau: Nhóm hoa và cây trồng: hoa chuông, phong lan dendrobium, lan hồ điệp, lan mokara...
Thu thập và bảo tồn in vitro và lưu giữ trong điều kiện nhà lưới. Hàng năm thu thập thành công 1-2 nguồn gien để lưu giữ, nguồn gien lưu giữ in vitro được thực hiện trên môi trường dinh dưỡng thiết yếu có bổ sung thêm các chất điều hòa sinh trưởng. Công tác lưu giữ và cấy chuyền định kỳ đảm bảo cho nguồn gien sạch mầm bệnh, phát triển tốt và an toàn…
Nỗ lực giữ gìn trước nhiều nguy cơ
So với quy mô về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế hiện có trên địa bàn tỉnh thì công tác bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gien còn khiêm tốn, kinh phí thực hiện nhiệm vụ hạn hẹp so với nhu cầu dẫn đến việc bảo tồn và khai thác các nguồn gien quý hiếm có giá trị kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh.
Hơn nữa, Vĩnh Long là một trong những địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, càng làm ảnh hưởng nhiều hơn đến hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học và nguồn gien của tỉnh. Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác bảo quản, lưu giữ các nguồn gien trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy có quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh, việc xây dựng Đề án Khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gien cấp tỉnh và các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gien là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay, góp phần bảo tồn và nâng cao giá trị tiềm năng của nguồn gien động vật, thực vật và vi sinh vật, cung cấp nguồn nguyên liệu khởi thủy phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, cải tạo giống, đảm bảo duy trì được sự đa dạng sinh học và những tiền đề cần thiết về tài nguyên sinh học phục vụ cho sự phát triển bền vững nền nông nghiệp hiện tại cũng như trong tương lai của tỉnh.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là: tiếp tục thu thập, lưu giữ, bảo tồn an toàn và nguyên trạng 29 nguồn gien (cây trồng, vật nuôi, thủy sản) và 80-100 nguồn gien vi sinh vật có ích, có giá trị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Khai thác, phát triển và sử dụng bền vững 29 nguồn gien và 80-100 nguồn gien vi sinh vật có ích, có giá trị phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đồng thời, tư liệu hóa ít nhất 10 nguồn gien giống cây trồng, 3 nguồn gien vật nuôi, 7 nguồn gien thủy sản, 32-40 nguồn gien vi sinh vật có ích, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin trong mạng lưới quỹ gien quốc gia. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gien đạt được kết quả tốt…
Khu vực thực hiện phôi nấm tại Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít). |
Trong bối cảnh bùng nổ dân số và biến đổi khí hậu, vấn đề bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn gien rất quan trọng và mang tính cấp thiết. Công tác này cần triển khai có hiệu quả để không mất đi nguồn gien quý báu, vì thế việc quy hoạch để bảo tồn, khai thác nguồn gien bền vững có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái…
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ