​Nâng cao giá trị bưởi năm roi và cam sành Vĩnh Long

06:10, 28/10/2023

Vĩnh Long có diện tích trồng cây có múi chiếm gần 20% diện tích toàn vùng ĐBSCL. Hai loại trái có múi là cam sành và bưởi năm roi là đặc sản và cũng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Về lâu dài, "chìa khóa" mở ra lối đi, nâng cao thương hiệu bưởi năm roi và cam sành là đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng khâu đóng gói, chế biến. 
 

Đa dạng hóa sản phẩm nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Đa dạng hóa sản phẩm nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH
Vĩnh Long có diện tích trồng cây có múi chiếm gần 20% diện tích toàn vùng ĐBSCL. Hai loại trái có múi là cam sành và bưởi năm roi là đặc sản và cũng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Về lâu dài, “chìa khóa” mở ra lối đi, nâng cao thương hiệu bưởi năm roi và cam sành là đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng khâu đóng gói, chế biến. 
 
Chú trọng chế biến, bảo quản nông sản
 
Theo ThS Tô Nguyễn Phước Mai- Trường ĐH Cần Thơ, cây ăn trái có múi là thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 20.837ha trồng cây có múi, trong đó mạnh nhất là cam với diện tích 10.781ha- chủ yếu là cam sành và tiếp đến là bưởi với diện tích 8.711ha- chủ yếu là bưởi năm roi. Sản phẩm bưởi năm roi của tỉnh Vĩnh Long đã nhận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2013. 
 
Bưởi năm roi và cam sành là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Bưởi năm roi và cam sành là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Diện tích vườn trồng cam và bưởi tại Vĩnh Long đều tăng qua các năm. Tuy nhiên, tiêu thụ nông sản nói chung hoặc cam sành và bưởi năm roi của Vĩnh Long nói riêng vẫn thường xuyên gặp khó khăn. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ chậm dẫn đến “cung vượt cầu” làm cho giá cả sụt giảm. Nhà vườn cũng thường phải chịu cảnh không có lãi, hoặc thậm chí thua lỗ khi thu hoạch không đúng thời điểm.
 
“Muốn giải quyết thực trạng này thì không thể chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ trái tươi, “mua đứt bán đoạn”. Về lâu dài, cần phải phát triển được một chuỗi giá trị cho các loại nông sản, mà khâu bảo quản cũng như chế biến đóng vai trò trọng tâm”- ThS Tô Nguyễn Phước Mai khẳng định.
 
Ông Nguyễn Văn Giới- Phó Giám đốc Sở KH-CN, cho biết, từ năm 2019, UBND tỉnh Vĩnh Long đã đưa cam sành và bưởi năm roi vào danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo Quyết định số 527/QĐ-UBND, nhằm thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.
 
Thực hiện quyết định nêu trên, tỉnh Vĩnh Long có nhiều đề tài, dự án để đầu tư và phát triển 2 loại cây có múi này như: Nghiên cứu khả năng giữ ẩm và cải tạo đất của cây lạc dại đối với vườn cam sành trong mùa khô tại huyện Trà Ôn; đánh giá thực trạng canh tác cam sành tại tỉnh Vĩnh Long; cải thiện chuỗi giá sản phẩm lúa, chôm chôm và cam sành tại huyện Trà Ôn; quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi năm roi Bình Minh.
 
Đến tháng 5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất sản phẩm Cider và trà túi lọc từ bưởi năm roi và cam sành tỉnh Vĩnh Long”…
 
Theo GS.TS Nguyễn Văn Mười, trái cây có múi là nhóm cây ăn trái quan trọng trong cơ cấu nền nông nghiệp, cũng như cung cấp dinh dưỡng và các tác dụng về hỗ trợ sức khỏe. Đặc thù để tránh sự tổn thất sau thu hoạch và duy trì chất lượng trái có múi sau thu hoạch, cần được thực hiện đồng bộ từ việc quản lý kỹ thuật canh tác, chăm sóc cận thu hoạch, kiểm soát quá trình thu hái đến sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.
 
Hiện nay, chế biến trái có múi tập trung chủ yếu vào chế biến nước trái cây. Các công nghệ mới hiện đang hướng đến kiểm soát chất đắng trong nước trái cây, thanh trùng, cô đặc và lên men nước trái cây. Song song đó, phụ phẩm là phần vỏ của trái cây có múi cũng có thể được tận dụng như: khai thác tinh dầu, các hợp chất sinh học nhóm polyphenol, trích xuất pectin hoặc sử dụng như nguồn carbon hữu cơ.
 
Xu hướng công nghệ áp dụng nhằm hạn chế tổn thất cũng như khai thác tối đa các thành phần có giá trị sinh học trong nước trái cây, giúp tạo ra sản phẩm có lợi hơn cho sức khỏe con người.
 
Sáng tạo với sản phẩm Cider và trà túi lọc
 
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ bưởi năm roi và cam sành, nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Văn Mười tạo nên sản phẩm Cider và trà túi lọc. Trong đó, Cider là đồ uống có cồn được lên men từ dịch ép trái cây, có độ cồn thấp (4-6%).
 
Hàm lượng cồn không cao trong sản phẩm tạo nên sự kích thích tiêu hóa, tăng cảm giác ngon miệng cho bữa ăn mà không gây cảm giác say, choáng như các loại đồ uống có cồn khác. Cider được sản xuất từ dịch ép trái cam sành và bưởi năm roi là dạng nguyên liệu có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
 
GS.TS Nguyễn Văn Mười cho biết, quá trình lên men được đánh giá là tốt hơn cho việc duy trì các thành phần mang hoạt tính sinh học so với quá trình gia nhiệt thông thường, đồng thời giúp tăng khả năng hòa tan của các thành phần này, làm tăng hệ số hấp thụ khi sử dụng.
Cider và trà túi lọc từ cam sành Vĩnh Long.
Cider và trà túi lọc từ cam sành Vĩnh Long.
Cider còn có khả năng bảo quản tốt hơn dịch quả thông thường; do đó chế biến Cider còn là biện pháp tồn trữ hiệu quả, đặc biệt giúp hạn chế tỷ lệ thải bỏ trái cam trong mỗi vụ thu hoạch. 
 
Cùng với đó, từ lâu, vỏ bưởi năm roi đã được biết đến như một dạng thảo dược và được sử dụng trong nhiều phương thuốc dân gian. Đây là nguồn nguyên liệu dễ tiếp cận, với tác dụng hỗ trợ sức khỏe, ưu việt nhất ở khả năng giảm glucose và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.
 
Dạng sản phẩm trà thảo dược được đóng gói trong các túi lọc giúp tăng tính thuận tiện khi sử dụng sản phẩm. Chế biến trà túi lọc từ vỏ bưởi năm roi được thực hiện dựa theo quy trình chế biến trà thảo dược truyền thống, bao gồm các công đoạn: cắt lát, chần, ngâm muối, xả đắng, sấy ẩm sơ bộ, sao rang.
 
Phối chế vỏ bưởi với các thành phần khác ở công đoạn bao gói cũng được thực hiện để đa dạng hóa sản phẩm và cung cấp giá trị cảm quan đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. 
 
Ông Nguyễn Văn Giới kỳ vọng, nghiên cứu từ đề tài sẽ hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến sản phẩm đặc trưng từ bưởi năm roi và cam sành là Cider và trà túi lọc; xác định được chế độ bảo quản thích hợp cho từng loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Sau đó, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho dòng sản phẩm từ bưởi năm roi, cam sành và hạch toán kinh tế để đánh giá được giá trị thương mại của các sản phẩm này. Sản phẩm Cider và trà túi lọc từ bưởi năm roi và cam sành sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm cũng như tận dụng nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập của người trồng, phát triển bền vững nền nông nghiệp của địa phương. 
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh