Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa phê duyệt vắc xin Penbraya của hãng Pfizer. Đây sẽ là vắc xin đầu tiên giúp bảo vệ chống lại 5 nhóm vi khuẩn gây viêm màng não và nhiễm độc máu.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa phê duyệt vắc xin Penbraya của hãng Pfizer. Đây sẽ là vắc xin đầu tiên giúp bảo vệ chống lại 5 nhóm vi khuẩn gây viêm màng não và nhiễm độc máu.
Các quan chức Mỹ sẽ thảo luận việc đưa vào sử dụng vắc xin ngừa viêm màng não mô cầu của Pfizer sau khi đã phê duyệt - Ảnh: AFP |
Bệnh viêm màng não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hiếm gặp, thường tác động đến não, tủy sống, mạch máu và có thể gây tử vong chỉ sau vài giờ.
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có tổng cộng khoảng 210 ca mắc viêm màng não mô cầu được báo cáo ở Mỹ vào năm 2021.
Theo Hãng tin Reuters, vắc xin "5 trong 1" Penbraya mà FDA vừa cấp phép sẽ giúp bảo vệ, chống lại năm nhóm vi khuẩn phổ biến gây viêm não mô cầu là A, B, C, W và Y.
Pfizer đang phát hành trên thị trường hai loại vắc xin phòng ngừa căn bệnh này là Trumenba và Nimenrix. Trong đó, Trumenba giúp tiêu diệt vi khuẩn nhóm B, trong khi Nimenrix giúp cơ thể tạo miễn dịch trước bốn nhóm vi khuẩn còn lại.
Penbraya vì vậy sẽ kết hợp các thành phần của hai loại vắc xin Trumenba và Nimenrix, và có thể sẽ được tiêu thụ nhiều hơn hai loại trước vì mang đến khả năng bảo vệ toàn diện hơn, theo nhà phân tích Louise Chen của Tập đoàn tài chính Cantor Fitzgerald.
Vắc xin Penbraya được chỉ định tiêm cho người từ 10 đến 25 tuổi, và được tiêm thành hai liều, mỗi liều cách nhau sáu tháng.
Hãng dược hàng đầu thế giới cho biết sau khi được FDA chấp thuận, các cố vấn từ CDC dự kiến gặp nhau vào ngày 25-10 để thảo luận thêm về việc đưa vắc xin này vào sử dụng.
Quyết định cấp phép cho vắc xin Penbraya của FDA được đưa ra dựa trên dữ liệu từ các nghiên cứu ở giai đoạn giữa và cuối.
Theo đó, Penbraya được chứng minh là không thua kém trong việc tạo miễn dịch chống vi khuẩn so với sự kết hợp giữa vắc xin Trumenba của Pfizer và vắc xin Menveo của GSK, tương tự so với sự kết hợp giữa Trumenba và Nimenrix.
Theo MINH CHÂU/Báo điện tử Tuổi trẻ