Chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh và cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp (NN), góp phần giúp NN tăng trưởng bền vững hơn.
Việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất mang lại nhiều hiệu quả. |
Chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh và cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp (NN), góp phần giúp NN tăng trưởng bền vững hơn.
Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số
Thời gian qua, thực hiện CĐS, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất NN ở Vĩnh Long đã góp phần quan trọng làm thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều mô hình sản xuất mới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất NN từng bước được hình thành và nhân rộng.
Theo Sở NN-PTNT, với xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các công nghệ số, ngành NN đang dần chuyển đổi từ NN truyền thống sang NN hiện đại. Không chỉ vậy, CĐS NN đã giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp nhất, nhưng bán ra với giá cao nhất. Người sản xuất được kết nối trực tiếp, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng mà không qua khâu trung gian.
Đồng thời, giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Theo đó, trong sản xuất, một số nông dân, HTX cũng đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến; đưa thiết bị bay không người lái phục vụ khâu bón phân, phun thuốc BVTV... góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm tiếp xúc trực tiếp với hóa chất bảo vệ sức khỏe nông dân. Qua đó, từng bước chuyển tư duy từ sản xuất NN sang kinh tế NN.
Sử dụng máy bay không người lái bước đầu mang lại những hiệu quả cho ngành nông nghiệp. |
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa- Giám đốc HTX Mekong Green (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh), cho biết: Việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho HTX. Thời gian qua, HTX đã ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc, tham gia trên các sàn thương mại điện tử… Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Phan Thanh Long- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật NN (thuộc Sở NN-PTNT), cho biết: “CĐS trong NN được quan tâm đẩy mạnh trong những năm gần đây, nhất là từ thời điểm dịch COVID-19 năm 2021.
Cụ thể, ngành NN đã hỗ trợ xây dựng thiết kế website cho hơn 20 doanh nghiệp, HTX, làng nghề; đưa các sản phẩm NN của địa phương lên các nền tảng số; hỗ trợ HTX thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin sản phẩm, quy trình sản xuất… từ đó góp phần quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm NN.
Ngoài sàn thương mại điện tử, ngành NN còn ứng dụng thương mại điện tử qua các công cụ và các tổ chức sàn góp phần nâng cao hoạt động CĐS”- ông Long cho biết thêm.
Cần đầu tư hạ tầng cho chuyển đổi số
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, theo Sở NN-PTNT, CĐS trong NN còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kết cấu hạ tầng cho phát triển NN ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng NN nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa NN. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển NN (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm NN…) chưa tương xứng.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, bởi trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực NN chủ yếu là nông dân, chưa được đào tạo chuyên môn bài bản…
Hệ thống cơ sở dữ liệu NN không tập trung, dữ liệu thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông, tích hợp.
Trong khi đó, ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, hộ sản xuất phần lớn cũng chưa đáp ứng yêu cầu của CĐS do thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu minh bạch xuất xứ sản phẩm, thiếu kết nối chia sẻ thông tin của tất cả các khâu từ sản xuất, quản lý, logistics, thương mại nông sản.
Trình độ nông dân- đội ngũ lao động trực tiếp đưa công nghệ số vào sản xuất còn thấp, nông dân chưa được đào tạo bài bản về CĐS nên gặp khó khăn trong thao tác cũng như đánh giá hiệu quả.
Đó là chưa kể, chính sách phục vụ CĐS trong NN chưa phù hợp, chưa kịp thời. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về NN công nghệ cao, NN thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành.
Chuyển đổi số giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. |
Để đẩy mạnh ứng dụng CĐS trong NN, ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời gian tới, ngành NN sẽ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất NN; trong đó có trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất NN sang phát triển kinh tế NN hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững, phát triển NN theo hướng NN sạch, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người nông dân.
Đồng thời, thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật chủ chốt của ngành, các cán bộ kỹ thuật có chuyên ngành liên quan đến công nghệ cao trong sản xuất NN; thực hiện các chương trình tập huấn cho nông dân nhằm giảm tình trạng lạm dụng hóa chất trong NN như áp dụng IPM, áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng GAP, theo hướng hữu cơ, các quy trình tuần hoàn trong sản xuất NN (kinh tế tuần hoàn)...
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG