BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long là một trong những bệnh viện đầu tiên ở khu vực ĐBSCL nói chung và ở Vĩnh Long đã chính thức bỏ bệnh án giấy, triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) thành công, giúp giảm đáng kể thời gian khám, chữa bệnh cho bệnh nhân (BN), đồng thời hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, điều trị chính xác, hiệu quả.
|
Thông tin về các lần khám, chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học. |
BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long là một trong những bệnh viện đầu tiên ở khu vực ĐBSCL nói chung và ở Vĩnh Long đã chính thức bỏ bệnh án giấy, triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) thành công, giúp giảm đáng kể thời gian khám, chữa bệnh cho bệnh nhân (BN), đồng thời hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, điều trị chính xác, hiệu quả.
Khi triển khai thực hiện BAĐT sẽ giúp BN không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh như kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, danh mục thuốc… Mỗi BN khi tới khám tiết kiệm được ít nhất 30 phút đến 1 giờ đồng hồ làm các thủ tục. Cùng với đó, BN cũng đã được lưu hết hồ sơ điện tử nếu đã từng khám ở đây nên rất nhanh để có thể đưa ra phương án điều trị, kê thuốc, thậm chí chia sẻ thông tin các khoa khác.
Chị Trần Thanh Tú (TP Vĩnh Long) đi khám thai tại BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết: “Khi sinh con đầu lòng, mỗi lần đi khám thai, tôi phải đem theo tất cả các phiếu siêu âm cũ, sổ khám bệnh, kết quả xét nghiệm… Nay bệnh viện đã triển khai BAĐT, tôi không phải đem theo giấy tờ. Khi vào phòng khám, bác sĩ mở lại bệnh án lưu trong máy tính, có thông tin của những lần khám trước nên thời gian khám bệnh nhanh hơn”.
Các bác sĩ khi khám cho BN sẽ cập nhật toàn bộ dữ liệu điều trị cho BN và lấy thông tin của BN qua các lần điều trị trước qua máy tính. Lịch hẹn cho lần tái khám tới của BN cũng được thực hiện trên máy tính. Hệ thống phần mềm BAĐT được sử dụng thống nhất, liên kết với tất cả khoa phòng trong bệnh viện.
BN được quản lý bằng mã số. Chăm sóc người thân điều trị tại BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long, chị Nguyễn Ngọc Nhi (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Lịch sử bệnh của mẹ được ghi lại trong hệ thống máy tính nên việc trao đổi về điều trị, thuốc dễ hơn. Ngoài ra nếu BN nằm điều trị kéo dài sẽ tránh thất lạc các giấy tờ như đơn thuốc, kết quả chụp, xét nghiệm”.
Theo BS.CK2 Nguyễn Kim Tưởng- Phó Giám đốc BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long, từ ngày 15/8/2022, bệnh viện đã triển khai đồng bộ tất cả các hồ sơ BAĐT tại phần mềm HIS, LIS; hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh tại khoa chẩn đoán hình ảnh (RIS); hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh (PACS). Nhờ PACS, các bác sĩ có thể xem ngay các kết quả cận lâm sàng như siêu âm, X-quang, CT-scan, MRI… từ đó nhanh chóng đưa ra chỉ định hay phác đồ điều trị phù hợp.
Ngoài ra, bệnh viện phát hành thẻ khám bệnh thông minh, hướng dẫn cho người dân có thể tự tra cứu thông tin khám, chữa bệnh, đăng ký khám bệnh qua ki ốt, đăng ký khám, chữa bệnh từ xa, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Hiệu quả mang lại cho BN dễ dàng truy cập và kiểm tra thông tin sức khỏe, giảm thời gian chờ khám, giảm chi phí, nhân viên y tế truy cập nhanh dữ liệu hỗ trợ chẩn đoán, điều trị, giảm sai sót, tiết kiệm thời gian; hỗ trợ công tác giao ban toàn viện, nâng cao năng lực quản lý chuyên môn, tài chính, nhân sự.
Hiện nay, việc triển khai BAĐT được sử dụng tại các khoa, phòng; BN được quản lý bằng mã số; thông tin về các lần khám, chữa bệnh của BN đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học. Nói thêm về lợi ích khi thực hiện BAĐT, BS.CK2 Nguyễn Kim Tưởng cho hay, nhờ việc ứng dụng BAĐT giúp mọi dữ liệu dễ dàng liên thông, nhất là giúp cho bác sĩ hội chẩn tức thì mọi nơi, mọi lúc mang lại nhiều tiện ích cho các BN và bác sĩ.
“Bác sĩ sẽ sử dụng các dữ liệu để ra các cảnh báo ví dụ như tương tác thuốc, sử dụng dữ liệu để hỗ trợ thông tin thêm cho bác sĩ trong công tác chẩn đoán bệnh chính xác hơn. BAĐT là ứng dụng rất hữu ích của công tác chuyển đổi số này.
BAĐT cũng giúp BN không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh, như kết quả chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, danh mục thuốc. Việc triển khai hồ sơ BAĐT sẽ làm thay đổi thói quen, nền nếp làm việc từ ghi chép bằng tay, trên giấy sang sử dụng máy tính, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo và sự tham gia tích cực của tất cả nhân viên bệnh viện”- BS.CK2 Nguyễn Kim Tưởng cho biết.
|
Bệnh án điện tử được liên thông, kết nối với tất cả các khoa, phòng đã giúp các bác sĩ dễ dàng trao đổi, hội chẩn, điều chỉnh thuốc. |
Triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế, việc triển khai BAĐT được xem như là một bước tiến mới của BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long nói riêng và ngành y tế Vĩnh Long nói chung. BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết: “Đây là cơ sở đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long thực hiện hồ sơ BAĐT, rất mong ban giám đốc bệnh viện, khi có yêu cầu, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, tham quan, học hỏi và triển khai”.
Được biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 1.300 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có khoảng 135 bệnh viện hạng I trở lên. Theo dữ liệu cải cách hành chính từ website Bộ Y tế, đến giữa tháng 8, cả nước mới chỉ có 50 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang BAĐT.
|
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG