Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; Sở Thông tin-TT tỉnh xác định đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và liên tục.
(VLO) Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; Sở Thông tin-TT tỉnh xác định đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và liên tục.
Đảm bảo an toàn thông tin mạng trong cơ quan nhà nước, phục vụ phát triển chính quyền số. |
Bảo đảm an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, từng bước xây dựng chính quyền điện tử tỉnh.
Song song đó, công tác bảo đảm ATTT được quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhằm bảo vệ an toàn cho các hệ thống thông tin, máy tính, dữ liệu của cơ quan nhà nước, góp phần cải thiện chỉ số xếp hạng.
Theo Sở Thông tin-TT, toàn tỉnh có 2.630 máy tính của cơ quan nhà nước đã được triển khai giải pháp phòng chống mã độc tập trung và chia sẻ dữ liệu mã độc về Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh.
Hệ thống quản lý phòng chống mã độc tập trung đã ghi nhận, xử lý 1.300 lượt máy tính bị nhiễm mã độc, 564 máy tính kết nối nguy hiểm, 1.194 máy tính có điểm yếu, lỗ hổng.
Theo ông Bùi Quang Viễn- Trưởng Phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin-TT), trong 8 tháng qua, hệ thống giám sát ATTT mạng của tỉnh đã phát hiện và ngăn chặn 451.371 sự kiện tấn công vào hệ thống thư điện tử tỉnh (spam email, thăm dò mật khẩu); 5.032 sự kiện cảnh báo về hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Đội Ứng cứu sự cố ATTT mạng của tỉnh đã tiếp nhận và hỗ trợ các cơ quan, đơn vị xử lý sự cố trên mạng WAN tổng cộng 87 lượt về phần cứng, phần mềm.
Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh hiện nay là một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATTT và chưa tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTT.
Số lượng máy tính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc và kết nối, chia sẻ thông tin mã độc về Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh còn thấp.
Công tác tự kiểm tra, đánh giá ATTT định kỳ trong quá trình vận hành hệ thống thông tin dẫn đến tồn tại nhiều lỗ hổng mức cao và chưa được quan tâm khắc phục, xử lý.
Tăng cường các giải pháp bảo vệ
Trước yêu cầu đảm bảo ATTT hiện nay, công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng thực hiện các mặt công tác bảo đảm ATTT trên không gian mạng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh được chú trọng thực hiện.
Đẩy mạnh an toàn thông tin mạng thông qua diễn tập thực chiến. |
Mới đây, Sở Thông tin-TT, Công an tỉnh phối hợp Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam thuộc Cục ATTT (Bộ Thông tin-TT) tổ chức diễn tập thực chiến ATTT mạng với chủ đề “Tấn công mạng thực chiến vào Hệ thống thông tin ứng dụng sở, ngành tỉnh Vĩnh Long năm 2023”.
Theo bà Đoàn Hồng Hạnh- Giám đốc Sở Thông tin-TT, diễn tập là hoạt động thường xuyên của Đội Ứng cứu sự cố ATTT mạng tỉnh nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm, nâng cao khả năng xử lý tình huống cho các thành viên.
Thông qua diễn tập, ngành chức năng còn cung cấp, huấn luyện cho đội ngũ làm công tác đảm bảo ATTT mạng của các cơ quan, đơn vị sử dụng các công cụ kỹ thuật để xử lý sự cố, kiểm tra lỗ hổng bảo mật và bảo vệ ATTT mạng trên môi trường mạng, từ đó thực hiện tốt việc đảm bảo ATTT mạng các hệ thống thông tin của tỉnh, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
“Diễn tập thực chiến năm nay có sự tham gia của 22 đội tấn công, tăng 13 đội so với năm trước; đã thể hiện sự quan tâm về công tác ATTT, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, các trường học, cơ quan đơn vị có năng lực”- bà Đoàn Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Song song đó, tại hội thảo giải pháp bảo vệ các ứng dụng và phòng ngừa tấn công, đánh cắp dữ liệu tỉnh năm 2023, các đại biểu đã tập trung chia sẻ, phân tích nhiều vấn đề liên quan về giám sát an ninh mạng để phát hiện và ngăn chặn rủi ro rò rỉ dữ liệu; giải pháp bảo vệ các ứng dụng, phòng ngừa tấn công, đánh cắp dữ liệu…
Ông Vũ Thái Bảo- chuyên gia ATTT (Chi hội ATTT phía Nam), cho rằng, để làm tốt công tác phát hiện và ngăn chặn rủi ro rò rỉ dữ liệu, tỉnh cần tăng cường công tác giám sát bảo mật xuyên suốt; chủ động săn tìm các vi phạm tiềm ẩn và ngăn chặn nó trước khi bắt đầu. Đồng thời, đào tạo đội ngũ nhân lực ATTT mạng chuyên nghiệp để ngay lập tức ngăn chặn các cuộc tấn công mạng diễn ra.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin-TT tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về ATTT mạng thông qua các hoạt động hội thảo, diễn tập, báo chí; tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT; rà soát, xây dựng, cập nhật các kế hoạch, quy chế, quy định về bảo đảm ATTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước để hoàn thiện cơ chế, chính sách của tỉnh về ATTT.
Bên cạnh đó, ngành duy trì, tăng cường triển khai giải pháp phòng, chống mã độc tập trung cho 100% máy tính các cơ quan nhà nước và kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giám sát với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; tham mưu UBND tỉnh nâng cấp, thay thế các máy tính cấu hình thấp, không đảm bảo triển khai các giải pháp ATTT cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Ngành cũng tăng cường hoạt động của Đội Ứng cứu sự cố ATTT mạng tỉnh nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố ATTT mạng; tăng cường diễn tập ATTT mạng cho Đội Ứng cứu sự cố bằng hình thức diễn tập thực chiến”- bà Đoàn Hồng Hạnh cho biết thêm.
Toàn tỉnh có 364/388 hệ thống thông tin đã được phê duyệt cấp độ ATTT; trong đó có 175 hệ thống thông tin cấp độ 1, có 168 hệ thống cấp độ 2 và 21 hệ thống cấp độ 3. Năm 2022, Vĩnh Long đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố về ATTT mạng. |
Bài, ảnh: AN CHI