Các nhà khoa học của Việt Nam, Lào, Campuchia và Hàn Quốc thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về xu hướng phát triển thành phố thông minh (TPTM) nhằm hướng đến trung hòa carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quang cảnh hội thảo. |
Các nhà khoa học của Việt Nam, Lào, Campuchia và Hàn Quốc thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về xu hướng phát triển thành phố thông minh (TPTM) nhằm hướng đến trung hòa carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam vừa phối hợp với Viện Khoa học kinh tế và xã hội quốc gia Lào, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia và Viện Môi trường Hàn Quốc tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực chung năm 2023 với chủ đề “TPTM vì mục tiêu tăng trưởng xanh”.
Tại hội thảo, TS Phan Chí Hiếu- Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, xây dựng đô thị thông minh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên, thu hẹp khoảng cách thu nhập, thúc đẩy nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, đô thị thông minh cũng hướng đến đẩy mạnh khai thác các nguồn năng lượng xanh, sạch, ứng dụng khoa học để sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) đối với Việt Nam vào năm 2050.
Hiện thực hóa cam kết này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và các địa phương của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, methan; kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
TS Phan Chí Hiếu cho biết, ngày 24/6/2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh với nhiều nội dung về kinh tế xanh.
Tại một số diễn đàn, hội thảo, các chuyên gia đánh giá chuyển đổi xanh, giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết “Net Zero” là chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, giải pháp đột phá.
Kết quả của hội thảo này sẽ góp phần cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn đối với các quốc gia nhằm hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” đối với cộng đồng quốc tế; tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam, Lào, Campuchia, Hàn Quốc cùng chia sẻ tri thức, bài học kinh nghiệm, thực tiễn trong xây dựng TPTM vì mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm.
TS Chang Hoon Lee- Chủ tịch Viện Môi trường Hàn Quốc, cho rằng trước những biến đổi lớn về môi trường, biến đổi khí hậu hiện nay, tất cả quốc gia cần có hành động mạnh mẽ hơn, phải xây dựng được những thành phố xanh hơn cũng như có cách ứng phó hiệu quả với tình trạng nóng lên của toàn cầu, có các định hướng, chiến lược phát triển xanh thích hợp.
Với những kết quả nghiên cứu rộng lớn, ứng dụng trong lĩnh vực môi trường, TPTM, giảm thải khí CO2..., Viện Môi trường Hàn Quốc đã và đang chia sẻ các nghiên cứu, cố gắng chia sẻ năng lực của mình đến khu vực ASEAN, tham gia tích cực trong các hoạt động đối thoại, hỗ trợ ứng dụng, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng TPTM vì mục tiêu phát triển, tăng trưởng xanh.
Thông tin về các hoạt động xây dựng TPTM tại Lào, TS Sonethanou Thammavong- Chủ tịch Viện Khoa học kinh tế và xã hội quốc gia Lào, cho biết hiện nay Lào đã có nhiều dự án lớn về xây dựng TPTM, thực hiện kết nối thông qua các hoạt động chuyển đổi số, phục vụ trong các lĩnh vực giao thông vận tải, logistics, tăng trưởng xanh bền vững, thích ứng với biến đổi môi trường.
Việc xây dựng TPTM cần tập trung hướng vào con người, giải quyết các vấn đề phù hợp với người dân ở khu vực, địa phương; trong đó, quan trọng nhất là cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đồng quan điểm, TS Sok Touch- Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, nêu rõ để giải quyết, ứng phó với biến đổi khí hậu cần phải xây dựng TPTM; trong đó, thực hiện đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân, giải quyết các nhu cầu của con người.
Hiện nay, Chính phủ Campuchia cũng đã có các dự án, kế hoạch phát triển, xây dựng các TPTM. Vì vậy, Campuchia mong muốn học tập, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp tốt nhất của các quốc gia trong triển khai xây dựng TPTM cũng như vấn đề về nguồn lực, nhân lực trong lĩnh vực này.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, thảo luận về những nội dung liên quan đến xu hướng phát triển TPTM nhằm hướng đến đạt được trung hòa carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu; đánh giá sự phát triển TPTM vì tăng trưởng xanh hiện nay tại Campuchia, Lào, Việt Nam và Hàn Quốc thông qua phân tích xu hướng quốc gia, đánh giá các công cụ chính sách, lợi ích kinh tế, xã hội của việc thực hiện, lập kế hoạch tài trợ cho các TPTM.
Mặt khác, đại biểu cũng thảo luận về các cơ hội và thách thức đối với việc hợp tác giữa các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và giữa ba quốc gia này với Hàn Quốc; phân tích các nghiên cứu về thực tiễn, quy hoạch xây dựng TPTM ở Campuchia, Lào, Việt Nam và Hàn Quốc trong tất cả lĩnh vực như năng lượng, xây dựng, rác thải, nước, giao thông vận tải, không gian xanh.
VY ANH (theo TTXVN/Vietnam+)