Camera AI và máy bay không người lái sẽ giúp nhận diện đàn voi nhanh chóng, đúng thời điểm, biết chúng đang ở đâu để đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu xung đột.
Hình ảnh voi rừng xuất hiện sẽ được camera AI ghi nhận và chuyển đến người dân thông qua dữ liệu số điện thoại đã được thu thập. |
(VLO) Camera AI và máy bay không người lái sẽ giúp nhận diện đàn voi nhanh chóng, đúng thời điểm, biết chúng đang ở đâu để đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu xung đột.
Vườn quốc gia Cát Tiên và những vùng đệm (huyện Tân Phú, Định Quán, tỉnh Đồng Nai) thời gian qua liên tục ghi nhận nhiều đợt voi rừng xuất hiện, không ít lần gây hậu quả làm thiệt hại hoa màu, tài sản của người dân vùng đệm, làm tăng xung đột giữa người dân và voi hoang dã.
Tuy nhiên, số lượng đàn voi ngày càng ít và có nguy cơ tuyệt chủng nên những giải pháp bảo vệ đàn voi và giảm thiểu xung đột giữa người và voi tại các khu vực đệm này đang trở thành thách thức…
Gần đây, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife- SVW) đã phối hợp với Vườn quốc gia Cát Tiên đưa 2 công nghệ mới là công nghệ máy ảnh AI và drone tầm nhiệt để giám sát loài voi hoang dã trong khu vực. Từ đó, sớm đưa ra các cảnh báo với cộng đồng.
Để ứng dụng công nghệ máy ảnh AI, các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm SVW theo dõi đàn voi di chuyển vào ban đêm và sáng sớm, xác định lối voi vào, xác định vị trí lắp đặt camera AI.
Ông Nguyễn Văn Thái- Giám đốc Trung tâm SVW, cho biết, công nghệ camera AI sẽ giúp giám sát hình ảnh con người và động vật khi đi qua máy ảnh.
Tùy vào mình đặt máy ảnh, khi người đi qua camera sẽ nhận dạng được người vi phạm đi vào rừng. “Khi mà chúng tôi đặt ra những hình ảnh liên quan đến voi, ngay thời điểm nào đó, con voi xuất hiện hình ảnh sẽ được camera nhận diện, báo luôn về qua điện thoại, hoặc qua email.
Như vậy, rất dễ cho chúng ta để biết được thời điểm đó con đấy đang ở đâu, nó có thể gây ra những xung đột nào để cảnh báo sớm’’.
Trong khi đó, công nghệ drone tầm nhiệt sẽ sử dụng máy bay không người lái để giám sát động vật hoang dã ở khoảng cách xa.
Công nghệ này cho phép nhận ra các đàn vật, cá thể động vật thông qua các cảm biến nhiệt, tỷ lệ phát hiện các loài thú tăng lên rất nhiều trong bối cảnh thảm thực vật xung quanh có màu lạnh hơn.
Việc ứng dụng 2 công nghệ trong việc theo dõi, giám sát đàn voi rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên được xem là giải pháp phù hợp với đặc điểm khu vực rộng lớn dàn trải và tính chất di chuyển thường xuyên, liên tục của đàn voi.
“Chúng tôi đánh giá là giải pháp này rất phù hợp. Công nghệ này có sự kết nối và phản ứng nhanh, khi phát hiện đàn voi có thể thông báo nhanh đến người dân.
Không chỉ là nhìn thấy voi mà đôi khi con voi nằm dưới tán cây chúng ta cũng biết và nhận ra rồi”, ông Nguyễn Văn Minh- Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, đánh giá và cho biết thêm, giải pháp này giúp nhà quản lý nhanh chóng đưa ra khuyến cáo với bà con khi đàn voi xuất hiện và cũng có thể đưa ra những dự báo xa hơn để giảm xung đột giữa người và voi.
Theo Trung tâm SVW, việc đưa các công nghệ vào giám sát đàn, cá thể động vật hoang dã đã được triển khai khoảng 1 năm trước tại nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia trên cả nước.
Riêng với đàn voi ở Đồng Nai mới ứng dụng được khoảng 3 tháng nhưng đã cho những hiệu quả giám sát, nghiên cứu nhất định.
Công nghệ giám sát hình ảnh AI với động vật hoang dã tại khu vực này sắp tới đây còn được kỳ vọng đưa vào hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch sinh thái voi tại khu vực.
“Đối với công nghệ này chúng ta sẽ phát hiện được đúng thời điểm và biết được nó đang ở đâu, vì vậy nên nếu kết hợp công nghệ này để đưa du khách đến để ngắm nhìn tận mắt những con voi đó thì chúng ta có thể lợi dụng công nghệ đó để phát triển các sản phẩm du lịch, giúp những du khách có thể thấy tận mắt con voi rừng’’, ông Nguyễn Văn Thái nói.
Tại Đồng Nai, hiện có một quần thể voi châu Á hơn 20 con, cư trú chủ yếu giữa Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Voi ở Việt Nam đang tiến gần đến ngưỡng tuyệt chủng và Đồng Nai là một trong nơi có quần thể voi quan trọng nhất trong cả nước. Những nỗ lực đưa công nghệ vào nhằm giải quyết những thách thức bảo vệ các cá thể động vật hoang dã, đồng thời, giảm thiểu mâu thuẫn giữa voi và cộng đồng tại chỗ.
VY ANH (theo vtv.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin