Đông Nam Á luôn là "điểm nóng" của đổi mới công nghệ (CN) số với mức độ thâm nhập internet cao, dân số trẻ và am hiểu CN… Những yếu tố này khiến Đông Nam Á, trong đó đặc biệt là Việt Nam, được các chuyên gia đánh giá là khu vực tiềm năng để ứng dụng CN Web 3.0, blockchain nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế sáng tạo.
Đông Nam Á luôn là “điểm nóng” của đổi mới công nghệ (CN) số với mức độ thâm nhập internet cao, dân số trẻ và am hiểu CN… Những yếu tố này khiến Đông Nam Á, trong đó đặc biệt là Việt Nam, được các chuyên gia đánh giá là khu vực tiềm năng để ứng dụng CN Web 3.0, blockchain nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế sáng tạo.
Trao đổi và tìm hiểu về Web 3.0 tại Ngày hội công nghiệp quốc tế Buidl Việt Nam 2023. |
Tiếp cận đa chiều
Web 3.0 khai thác sức mạnh của CN chuỗi khối (blockchain) để đưa khả năng tương tác, kết nối và độ bảo mật của người dùng cao hơn. Chính vì vậy, Ngày hội CN quốc tế Buidl Việt Nam 2023 vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đã quy tụ hơn 30 nhà khởi nghiệp về CN blockchain hàng đầu thế giới tham gia và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư Web 3.0.
PGS.TS Lê Khắc Cường- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: “Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam là quốc gia ở châu Á được lựa chọn là điểm dừng chân của ngày hội CN quốc tế, một trong những sự kiện CN quốc tế hàng đầu. Đây cũng là dịp để cộng đồng sinh viên Việt Nam, nhất là sinh viên khối ngành CN kỹ thuật, thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện có cơ hội tiếp cận với Web 3.0”.
Sự kiện trên cũng là lần hiếm hoi với sự xuất hiện của khoảng 70 diễn giả trong và ngoài nước, là các giám đốc CN, giám đốc điều hành, nhà sáng lập… đến từ các công ty CN trong lĩnh vực blockchain có giá trị vốn hóa trên thị trường từ vài tỷ USD đến hàng chục tỷ USD, như YGG, Nethermind, Near Protocol, Sky Mavis… Những diễn giả tham gia thảo luận, đưa ra các giải pháp hợp tác, phát triển CN blockchain cho nền kinh tế Web 3.0.
Theo bà Nicole Nguyễn- nhà đồng sáng lập cộng đồng Apac Dao (cộng đồng dự án Web 3.0 hàng đầu tại châu Á- Thái Bình Dương), Việt Nam có thể được coi là trung tâm hội tụ CN hấp dẫn hàng đầu khu vực, đặc biệt là với các CN Web 3.0, blockchain. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam vươn mình từ một quốc gia chỉ gia công phần mềm thành một điểm đến hấp dẫn, trở thành cái nôi CN mới của khu vực.
Thúc đẩy kinh tế sáng tạo
Với các nhà sáng tạo nội dung, khai thác sức mạnh của Web 3.0, họ có thể tăng nguồn thu tài chính bằng cách tạo ra các tài sản không thể thay thế (NFT). NFT cho phép người sáng tạo bán tác phẩm của họ trực tiếp cho người có nhu cầu, nhờ đó mở rộng được nguồn doanh thu. Như vậy, ở Web 3.0, cùng với tính minh bạch và bảo mật vốn có, NFT tăng thêm giá trị với tác giả và loại bỏ khả năng giả mạo, gian lận.
Dữ liệu khảo sát của dịch vụ trực tuyến Linktree tiết lộ, trong số 200 triệu người tham gia vào nền kinh tế sáng tạo, chỉ 12% những người làm việc toàn thời gian kiếm được trung bình hơn 50.000 USD/năm và 46% người sáng tạo toàn thời gian kiếm được ít hơn 1.000 USD/năm. Đây là một trong những giá trị mà Web 3.0 mang lại.
“Năm 2023, Việt Nam vẫn chứng minh được sức hấp dẫn của một trong những điểm nóng trên toàn cầu ở lĩnh vực phát triển CN và đào tạo nhân tài trong ngành công nghiệp Web 3.0 và blockchain”, bà Erica Kang- đồng sáng lập tổ chức KryptoSeoul- đơn vị sở hữu thương hiệu Buidl Asia, chia sẻ.
Trong top 200 doanh nghiệp blockchain và tiền điện tử hàng đầu thế giới, hiện có 7 doanh nghiệp do người Việt sáng lập. Bên cạnh đó, Việt Nam có trên 10 doanh nghiệp với vốn hóa trên 100 triệu USD có ảnh hưởng trên toàn cầu. Đặc biệt, 3 dự án Việt Nam từng đạt mức vốn hóa trên 1 tỷ USD là Coin98, Axie Infinity và Kyber Network… đang từng bước chinh phục nền kinh tế Web 3.0.
Theo các chuyên gia CN, tiền mã hóa là một phần của nền kinh tế Web 3.0 và Việt Nam hiện có hơn 16,6 triệu người sở hữu tiền mã hóa (khoảng 31% sở hữu bitcoin) là một minh chứng về ứng dụng.
Cùng với đó, một khảo sát gần 400.000 người trên 26 quốc gia mới đây, Việt Nam đứng thứ 3 về “chấp nhận” tiền điện tử (sau Ấn Độ và Nigeria), và khoảng 23% dân số Việt Nam cho biết có sở hữu tài sản số và tiền mã hóa. Tuy nhiên, việc sở hữu và giao dịch tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, cũng như chưa có chính sách về NFT.
Do đó, theo các chuyên gia, để Việt Nam trở thành trung tâm hội tụ CN Web 3.0, blockchain, ngoài cần thêm nhiều sản phẩm ứng dụng vào đời sống xã hội, thì khung pháp lý cũng cần hoàn thiện khi đặt vấn đề cho nền kinh tế Web 3.0.
VY ANH (theo SGSPO)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin